Công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho 2.434 phạm nhân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Tập đoàn Lotte |
Tối 31/8, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân chủ trì Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2022).
Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo thành phố Hà Nội, các vị đại sứ, đại biện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Phát biểu ý kiến chào mừng, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại cách đây 77 năm, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm |
Chủ tịch nước nhấn mạnh, kể từ Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giữ vững nền độc lập, thống nhất đất nước và đạt nhiều thành tựu xây dựng, phát triển đáng tự hào. Từ bản lĩnh cải cách mạnh mẽ của “Đổi mới” 1986, với nỗ lực bền bỉ, Việt Nam từ một nước chịu sự tàn phá bởi chiến tranh, kém phát triển, quan hệ đối ngoại hạn chế… nay đã vươn lên trở thành một nền kinh tế đang phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Với mức tăng trưởng GDP hàng năm trung bình khoảng 7% trong 35 năm qua, ngày nay, Việt Nam đứng trong top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, Top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Việt Nam là nơi hội tụ của hàng vạn nhà đầu tư đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ, với gần 35.000 dự án FDI đang hoạt động có tổng vốn gần 430 tỷ USD. Năm 2021, tổng kim ngạch đạt mức kỷ lục, khoảng 670 tỷ USD, tăng gần 23%.
Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA, RCEP… với tiêu chuẩn cao, ưu đãi thị trường rộng mở giúp Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn thị trường của 60 quốc gia, nền kinh tế, đã góp phần giúp cho phục hồi kinh tế nhanh, giữ nhịp tăng trưởng, mở rộng hợp tác...
Việt Nam có quan hệ đối ngoại ngày càng rộng mở, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia; quan hệ gắn bó với các nước láng giềng; thiết lập quan hệ ổn định lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch, ổn định chính trị xã hội, nền kinh tế đang phục hồi nhanh, GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm các cân đối lớn về lương thực, năng lượng...
Đời sống nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được triển khai tích cực. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh. Đối ngoại được tăng cường, thích ứng hiệu quả với tình hình. Tự tin mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022. Nhiều sự kiện quốc gia quan trọng được tổ chức thành công, nổi bật là SEA Games 31, làm thắm thêm tình đoàn kết “gia đình ASEAN” và quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Trên mỗi chặng đường đã qua, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành của cả cộng đồng quốc tế rộng lớn. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, tôi xin bày tỏ tình cảm chân thành, lời cảm ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu, hợp tác hiệu quả của các quốc gia, tổ chức, đối tác quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế và sự đóng góp chân tình của bạn bè, nhân dân thế giới dành cho Việt Nam".
Các Đại sứ, Trưởng các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội tham dự lễ kỷ niệm |
Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với khát vọng về phát triển đất nước hùng cường. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu, nỗ lực phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Hướng tới những mục tiêu đó đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ, trước hết là phát huy nội lực với sự đoàn kết của cả dân tộc thực hiện các định hướng chiến lược. Luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Tập trung triển khai ba đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững; gắn kết phát triển kinh tế - xã hội, với văn hóa, an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng lãng phí. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, chuyển đổi sang nền kinh tế số, kinh tế xanh.
Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, từ thực tiễn đã qua, để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, trước hết phải đoàn kết toàn dân tộc, phát huy “nội lực” là yếu tố quyết định, nhưng đó là “chưa đủ”. Việt Nam cần phải có sự ủng hộ, đồng hành, hợp tác cùng có lợi với cả cộng đồng quốc tế để có thêm “ngoại lực” làm mạnh thêm “quốc lực” chung cho phát triển nhanh, bền vững. Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn có sự kết nối, chia sẻ và chung tay của các nước và cả cộng đồng quốc tế, trong đó các vị Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam có vai trò rất quan trọng.
Người ta thường nói, “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Chủ tịch nước một lần nữa mong các Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa đất nước và các tổ chức quốc tế để càng thêm gắn bó, nắm chặt tay nhau cùng vượt thách thức và cùng hành động hướng tới tương lai thịnh vượng.
"Vì một thế giới hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng! Vì quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia, tổ chức và bạn bè quốc tế! Vì hòa bình, hạnh phúc và phồn vinh của đất nước và nhân dân Việt Nam!" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đại sứ Saadi Salama, Trưởng đoàn Ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam phát biểu |
Tại buổi lễ, ông Saadi Salama - Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn Ngoại giao, gửi tới Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Ông Saadi Salama nhấn mạnh: Trong năm qua, dù còn gặp những thách thức từ dịch bệnh và tình hình thế giới bất ổn, Việt Nam đã có những thành công đáng tự hào. Những thành tựu này đã tiếp tục nối dài hành trình phát triển thuyết phục của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Sự dứt khoát, chủ động, quyết liệt và linh hoạt của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu kiên định là sức khỏe, tính mạng của người dân đã giúp đất nước vượt qua bóng đen Covid-19 bao trùm toàn cầu một cách đầy ấn tượng.
Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh nhất khu vực, là cơ sở để các quốc gia, các nhà đầu tư sẵn sàng hợp tác, gửi gắm niềm tin trong một môi trường kinh doanh ổn định, đáng tin cậy và giàu tiềm năng.
Đặc biệt, giữa muôn vàn khó khăn, Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tiếng nói Việt Nam cất lên mạnh mẽ tại các diễn đàn khu vực và thế giới trong những vấn đề nóng, gai góc nhất, đồng thời là cơ sở để Việt Nam thể hiện bản lĩnh, sự đóng góp và quan điểm nhất quán cho hòa bình, thịnh vượng của nhân loại.
Nhân dịp trọng thể này, thay mặt Đoàn Ngoại giao, ông Saadi Salama đã gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam vì sự đồng hành, hỗ trợ và lòng hiếu khách dành cho những nhà ngoại giao trong công việc cũng như cuộc sống; khẳng định luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các quốc gia, các tổ chức quốc tế, đồng thời sẵn sàng tiếp tục các nỗ lực nhằm củng cố, thúc đẩy và mở rộng hơn nữa trọng trách của mình nhằm hướng tới mục tiêu chung vì một thế giới hòa bình, bình đẳng, thịnh vượng, hợp tác và phát triển.