Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đại biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Năm 2016, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh cho 65 giáo sư và 638 phó giáo sư.
Sáng 5/11, Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đã được tổ chức trang trọng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội). Tân giáo sư trẻ nhất là giáo sư Trần Đình Thắng (Đại học Vinh), 41 tuổi; tân phó giáo sư trẻ nhất là phó giáo sư Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội), 32 tuổi. Có 6 tân phó giáo sư là người dân tộc thiểu số.
Từ năm 1980 đến nay, sau 25 đợt xét công nhận, tổng số lượt giáo sư, phó giáo sư đã được công nhận ở Việt Nam là 12.322, trong đó có 1.745 giáo sư và 10.577 phó giáo sư.
Đội ngũ giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực, quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chúc mừng các tân giáo sư, đại diện tân phó giáo sư được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh năm 2016.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, dân tộc ta có nền văn hiến lâu đời, trong đó lòng hiếu học, tôn sư, trọng đạo, trọng dụng hiền tài đã trở thành đạo lý cao đẹp, là tài sản vô giá, được giữ gìn, liên tục tiếp nối từ đời này qua đời khác.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến sự nghiệp đào tạo, xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, phát hiện và trọng dụng nhân tài, coi đó là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước.
Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những công lao của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, nhất là trong 30 năm đổi mới vừa qua.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nêu rõ, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về kinh tế, khoa học-kỹ thuật, văn hóa-xã hội, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, khuyết điểm cần tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững...
Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông minh, kỷ nguyên số, xã hội thông tin và kinh tế tri thức, vừa mở ra cơ hội phát triển to lớn, vừa đan xen những thách thức rất gay gắt, tác động cả tích cực và bất lợi đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Trên tinh thần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư có vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đúc kết lý luận, dự báo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề thiết thực liên quan đến phát triển bền vững, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; giảng dạy, truyền bá kiến thức, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch nước mong muốn, các giáo sư, phó giáo sư bằng tất cả tâm huyết, nghị lực, trí tuệ, danh dự và trách nhiệm của mình, không ngừng rèn luyện, phấn đấu, xứng đáng là những tấm gương sáng trong lao động sáng tạo, ngày càng có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, bằng kinh nghiệm hoạt động đã được tích lũy trong 36 năm qua, cần có những đề xuất mang tính khoa học và tính thực tiễn cao về tiêu chuẩn, phương thức đánh giá, cách thức công nhận, trao quyết định..., để công tác này ngày càng đổi mới, phù hợp hơn với yêu cầu phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, phù hợp với chuẩn quốc tế, xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Nhà nước công nhận, nhân dân tôn vinh.
Chủ tịch nước đề nghị các giáo sư, phó giáo sư tiếp tục phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, tập trung tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định và triển khai các chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang giao nhiệm vụ cho Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút các giáo sư, phó giáo sư là người Việt Nam ở nước ngoài và các giáo sư, phó giáo sư là người nước ngoài tham gia đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ của Việt Nam.
Mục tiêu đặt ra là đưa nhanh các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của nước nhà hội nhập với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên toàn cầu, vượt qua thách thức, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sớm đưa Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.