Chủ tịch huyện Nhơn Trạch kê khai không trung thực
Trước đó, như Báo Công Thương đã thông tin, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã có quyết định thi hành kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch. Theo đó, bà Hương bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong vụ việc này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai xác định, bà Nguyễn Thị Giang Hương đã không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập qua các lần kê khai tài sản, thu nhập; quanh co, đối phó, che giấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai, không cung cấp cho tổ xác minh tài sản, thu nhập các hồ sơ liên quan đến việc sở hữu các tài sản đã kê khai trong bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.
Bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch có hành vi quanh co, đối phó, che dấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai. (Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại). |
Bà Nguyễn Thị Giang Hương làm những việc pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, địa phương và vai trò tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của đảng viên.
Vi phạm của bà Nguyễn Thị Giang Hương là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu trong xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm sút uy tín bản thân, uy tín Huyện ủy, UBND huyện Nhơn Trạch.
Liên quan đến vụ việc này, trước đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức kỳ họp thứ 39, khóa XI để thông qua một số vụ việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm điểm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai nhận thấy bà Nguyễn Thị Giang Hương có khuyết điểm, vi phạm: "Kê khai tài sản không trung thực", vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; Luật Phòng, chống tham nhũng và Quy định của Bộ Chính trị (khóa XIII) về kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm.
Kê khai không trung thực xử lý thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, trả lời phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Vũ Văn Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 của Chính phủ có những quy định rất cụ thể về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Theo đó, tại Điều 20 của Nghị định này nhấn mạnh việc xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, như sau: Người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
"Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm", Luật sư Lịch cho biết.
Trụ sở UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - (Ảnh: Trang TTĐT huyện Nhơn Trạch). |
Còn tại Điều 51, Luật Phòng, chống tham nhũng nêu rõ việc xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực, cụ thể là: Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.
Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.
Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật. Quyết định kỷ luật được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị xử lý kỷ luật làm việc.
Về việc xử lý hành vi vi phạm khác trong kiểm soát tài sản, thu nhập, Điều 21, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức.
Người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Tổ trưởng và thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận bản kê khai, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, tiến hành xác minh, kết luận xác minh, công khai kết quả xác minh thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
"Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Các hành vi vi phạm quy định lại Điều 20, các khoản 1, 2 và 3 Điều này nếu cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật", Luật sư Lịch thông tin.