Hà Nội: Cần chính sách để công nghiệp hỗ trợ ‘cất cánh’ Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ: Chủ động trong chuyển đổi số |
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam – ngày 13/10, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch HĐQT Intech Group Hoàng Hữu Thắng.
Thưa ông, cơ duyên nào đưa ông đến với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mảng ngành hàng công nghiệp hỗ trợ?
Sinh ra tại vùng quê nghèo miền núi tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, có lẽ những năm tháng gian khó, cơ cực thời niên thiếu đã giúp tôi rèn luyện bản lĩnh. Sáng đi học, chiều đi làm nông, tối lại đi chợ buôn bán. Quá vất vả khiến tôi suy nghĩ, chỉ có con đường học mới giúp tôi thoát nghèo.
Nhà máy sản xuất của Công ty CP Tập đoàn kỹ Thuật và công nghiệp Việt Nam (Intech Group) tại cụm công nghiệp Lai Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội) |
Thất bại đầu đời là thi đại học 5 lần không đỗ, với những khát khao cháy bỏng vào được những cánh cổng trường danh giá như Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế Quốc dân. Nhưng cũng là cái duyên đã kéo tôi về với nguyện vọng 2 Trường Đại học công nghiệp Hà Nội.
Vừa đi học, vừa đi làm thêm để trang trải cuộc sống giúp cho tôi dạn dày hơn với xã hội. Tốt nghiệp ra trường, đi làm thuê với đủ các nghề, thức khuya dậy sớm, bôn ba theo xe hàng khắp miền Bắc, miền Trung.
Đi làm với đồng lương ít ỏi, tôi trăn trở khi nào mới thoát nghèo, mới lo được cho gia đình và trụ được lại ở đất Hà Nội. Quyết tâm thoát ra khỏi vỏ bọc của sự an phận, tôi suy nghĩ khởi nghiệp.
Nhận thấy, các nhà máy FDI đang vào Việt Nam rất mạnh. Việt Nam ngày càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, điều này đồng nghĩa với ngành băng tải, băng chuyền sẽ phát triển. Tư duy về tương lai của ngành này, quyết định theo đuổi nó, tôi mạnh dạn thành lập Công ty Intech cung cấp các loại con lăn công nghiệp, băng tải, băng chuyền trong công nghiệp với số vốn chỉ 8 triệu đồng tại chính nơi tôi thuê làm phòng trọ và nhớ như in từng khoản chi khởi đầu.
Lên mạng tìm hiểu về sản phẩm, học hỏi, đăng tin rao vặt trên các tờ raovat, muavaban, rongbay, vatgia,…ngày nào cũng đều đặn, kiên trì đăng tin quảng cáo, tìm kiếm khách hàng chỉ sau vài tuần tôi bắt đầu có khách đầu tiên.
Đơn hàng đầu tiên có trị giá 12 triệu đồng, tôi nhận tạm ứng 6 triệu đồng để làm trong sự hồ hởi và hồi hộp. Mới đầu bản vẽ rất chật vật, lắp ráp, chạy thử, chạy không được lại tháo ra làm lại… tôi tự làm hết đến khi sản phẩm chạy thử ổn rồi thuê xe ba gác để em trai đưa hàng đi Hưng Yên giao cho khách. Tuy nhiên, trớ trêu thay, băng chuyền lắp vào hệ thống của khách không vừa, khách giữ cả em trai tôi và hàng lại (vì một số hiểu lầm).
Chủ tịch HĐQT Intech Group Hoàng Hữu Thắng |
Đơn hàng đầu tiên thấm đẫm máu và nước mắt. Tôi đến giải thích cho khách, chúng tôi nhận đơn đặt hàng từ một bên trung gian và có sự không ăn khớp về các thông số kỹ thuật khi yêu cầu dẫn đến kết quả không như mong muốn. Khách hàng hiểu và thông cảm. Còn tôi đi tìm vị khách trung gian thuê mình (ở Nam Định) để đòi nốt số tiền theo hợp đồng. Khách né tránh, tôi đi lại nhiều lần thậm chí còn gặp tai nạn bầm dập, mãi mới đòi được một nửa số tiền còn lại. Hành trình khởi nghiệp gian nan thực sự.
Nhưng không vì khó khăn ban đầu mà dừng lại, tôi và em trai tiếp tục đẩy mạnh marketing, kinh doanh và nhận được đơn hàng mới. Nhờ sự tận tâm với khách hàng và niềm tin mình làm được, cứ thế rồi kinh nghiệm dày hơn, chỉ sau hai tháng mở công ty, doanh thu của tôi đã lên tới hàng 100 triệu đồng/tháng và con số ấy tiếp tục sinh sôi.
Lúc này nguồn lực đã có nên tôi quyết định thuê một cái văn phòng để chuyển công ty ra khỏi nhà trọ nên anh đã thuê một cái xưởng khoảng 150m2 để vừa làm văn phòng và vừa làm nơi lắp ráp. Việc kinh doanh phát triển hơn, thừa thắng xông lên, tôi thuê xưởng to hơn, 330m2 đến 600m2, 1.500m2,... Và Intech ngày nay đang là một hệ sinh thái với nhiều công ty con trong các lĩnh vực cơ khí chính xác, tự động hóa, công nghệ và năng lượng tái tạo cùng quy mô gần 400 nhân sự với tốc độ tăng trưởng doanh thu 50-100% mỗi năm.
Bước đi nhanh, liên tục tăng trưởng và mở rộng, trong khi thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Việt đến con ốc vít cũng không sản xuất được, đâu là yếu tố dẫn đến sự thành công của doanh nghiệp?
Nhận định này có điểm đúng và có những điểm không đúng. Thực ra, không phải chúng ta không làm ra được con ốc vít mà mình làm ra con ốc vít nhưng giá đặt hơn nước ngoài mà cụ thể ở đây là Trung Quốc.
Ở ngành băng tải, băng chuyền, thời điểm tôi khởi nghiệp thì nó vẫn còn rất sơ khai ở Việt Nam. Trong khi đó, ở nước ngoài lại rất phát triển. Vì thế đây cũng là một khó khăn, rào cản rất lớn.
Và tôi học từ chính các khách hàng FDI, từ máy móc của họ mang sang. Tôi đi rất nhiều nơi để học hỏi từ Thái Lan, Trung Quốc đến Singapore, Đức, Nhật Bản…để tích lũy kinh nghiệm và lựa chọn hướng đi phù hợp. Bên cạnh đó, sản phẩm của chúng tôi cũng thường xuyên tham gia các buổi triển lãm giới thiệu sản phẩm tại các thị trường trong nước, quốc tế và thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Nếu như trước kia, Intech chỉ phát triển các sản phẩm đơn lẻ, thì đến nay chúng tôi đã cung cấp các giải pháp về tự động hóa và có những khách hàng là doanh nghiệp FDI sử dụng hoàn toàn giải pháp tự động hóa của chúng tôi - một doanh nghiệp thuần Việt.
Cũng từng đi qua nhiều vị trí, từ nhân viên kinh doanh và giờ trở thành lãnh đạo, cảm xúc của ông như thế nào, nhất là trong ngày 13/10 này?
Mỗi vị trí sẽ có những sướng và khổ riêng. Làm lãnh đạo chúng tôi tự chủ về thời gian hơn, cuộc sống đầy đủ hơn, tuy nhiên, làm người đứng đầu, áp lực đối với chúng tôi là không nhỏ.
Luôn đặt ra những câu hỏi về chiến lược phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ như thế nào, nhất là trong bối cảnh thương trường thay đổi như vũ bão, việc gây dựng lên một doanh nghiệp hoạt động tốt thì mất thời gian rất lâu nhưng không cẩn thận thì doanh nghiệp đó cũng có thể đi xuống rất nhanh.
Sản phẩm của công ty tham dự Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2022 |
Thị trường ngày càng đa dạng về sản phẩm, khách hàng ngày càng có nhu cầu cao và họ luôn quan tâm đến mức độ được đáp ứng khi tiếp nhận sản phẩm. Bán hàng bây giờ không phải cứ có sản phẩm đưa cho họ là xong mà phải phục vụ nhiệt thành bằng cả tấm lòng mới là việc quan trọng nhất. Đây chính là con đường ngắn nhất để đi đến trái tim khách hàng, giữ họ ở lại lâu dài với mình.
Còn về quản lý doanh nghiệp, theo tôi nghệ thuật quản trị là cả một câu chuyện. Người quản trị hay người lãnh đạo cần 3 yếu tố. Cần có năng lực trí tuệ để định hướng và dẫn dắt được các anh em đồng nghiệp. Phải có nghị lực dám làm những việc khó và kiên trì vượt qua được những khó khăn đó. Nhưng hai yếu tố này chỉ để giải quyết công việc, yếu tố thứ ba cần ở một người lãnh đạo doanh nghiệp đó là phải có tâm, có đức và mới có thể kết nối được mọi người trong công ty với nhau. Có đủ 3 yếu tố này sẽ dẫn dắt được đội ngũ nhân sự. Thiếu một trong 3 yếu tố sẽ không thể thành công.
Bắt đầu từ nhiều con số 0 và đến nay là chủ doanh nghiệp quy mô gần 400 lao động, ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Đối với các doanh nghiệp Việt, hiện đang yếu về định hướng, chiến lược và việc quản trị chất lượng cũng chưa được chú trọng. Vẫn có những doanh nghiệp làm ăn mang tính chất chộp giật. Còn với những doanh nghiệp làm ăn bài bản và hướng tới khách hàng, chất lượng, sự chuyên nghiệp thì đều có thể phát triển.
Với kinh nghiệm của Intech đó là đi từng bước nhỏ, chậm và chắc, trên chặng đường tăng trưởng, khi có lợi nhuận thì chúng tôi tái đầu tư tiếp vào hoạt động kinh doanh.
Suy nghĩ chung của nhiều người khi mở doanh nghiệp đó là phải có tiền vốn trong tay. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu suy nghĩ như vậy thì chúng ta sẽ không dám bắt tay vào để làm. Cần phải suy nghĩ được cách làm trên điều kiện của mình đang có. Chứ còn chờ để đủ điều kiện, câu hỏi là khi nào mới đủ điều kiện. Tôi bắt đầu với con số 8 triệu, nhưng có những người có 80 triệu cũng không dám vì họ đợi đến khi có 800 triệu….
Đã là khởi nghiệp thì không bao giờ là dễ cả. Vấn đề là có dám làm hay không và trong bối cảnh mình không có điều kiện, do đó, bên cạnh việc làm việc chăm chỉ, cần làm việc thông minh hơn để hiệu quả hơn và phải kiên trì.
Kế hoạch trong những năm tới được Intech đặt ra là gì, thưa ông?
Hiện thị trường của chúng tôi gồm các doanh nghiệp Việt vừa và lớn trong nước; các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu. Trong ngắn hạn, tôi sẽ tiếp tục tập trung thị trường trong nước và phát triển tại thị trường Nhật Bản. Về dài hạn, tôi đặt sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU.
Bên cạnh đó, mục tiêu của tôi hướng tới đó phát triển thành một Tập đoàn mà ở đó cán bộ công nhân viên đều có cơ hội phát triển. Luôn lấy tiêu chuẩn quốc tế để phát triển sản phẩm, tôi cùng đội ngũ cộng sự luôn có một khát khao đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu. Tôi muốn chứng minh với thế giới rằng người Việt Nam có thể làm được những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao “Viet Nam can do”. Sự khẳng định và phát triển này cũng giúp cho doanh nghiệp Việt bớt phụ thuộc vào kỹ thuật và công nghệ của nước ngoài.
Xin cám ơn ông!