Tôi bị ấn tượng mãi bởi những lời chia sẻ đó của Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải bên lề một cuộc họp của doanh nhân Sao Đỏ diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua. Và tôi đem theo tất cả những dòng suy tư ấy đến toà nhà số 33A nằm ở ngã tư Bà Triệu - Lý Thường Kiệt, toà nhà Pháp cổ với màu sơn trắng mà theo như lời ông Hải đây là đại bản doanh riêng để ông "khởi nghiệp" trở lại sau khi chuyển giao Alphanam thế hệ F2. |
Sau hơn nửa đời người vất vả trên thương trường, ông đã đưa Alphanam trở thành Tập đoàn kinh tế đa ngành lớn mạnh. Khi bắt đầu chuyển giao sự nghiệp cho thế hệ F2, ông từng nói: “Tôi chuyển giao không phải để về hưu, mà để bắt đầu thực hiện những giấc mơ khác của mình”. Vậy giấc mơ khác của ông là gì? Tôi sinh ra trong gia đình nhà giáo nên vẫn luôn trăn trở phải làm gì để có thể nối sự nghiệp "trồng người" truyền thống của gia đình. Chính vì thế, những năm trước tôi đã tham gia vào Hội đồng Trường đại học Ngoại thương, Ủy ban về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực - Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục - Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. Dù đây không phải là hình thức giảng dạy trực tiếp nhưng cũng là một hình thức đóng góp cho ngành giáo dục nói chung. Bên cạnh đó, tôi có tham gia thực hiện nhiều chương trình giúp đỡ người khuyết tật và người yếu thế. Những câu chuyện cảm động hay tấm gương nghị lực sống đặc biệt như Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Nghị Lực Sống Nguyễn Thị Vân đã khiến tôi nhận ra những người khuyết tật, người yếu thế là đối tượng cần được hỗ trợ, đào tạo hướng nghiệp và giúp họ hòa nhập với xã hội, có cuộc sống thuận lợi hơn trên mọi phương diện. Tôi nhớ mãi câu nói của Vân trong một cuộc họp mới đây: "Sức khỏe em đang yếu dần, muốn mở rộng trung tâm nhưng lực bất tòng tâm". Từ trăn trở của Vân, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định khởi nghiệp trở lại. |
Chuyển giao Alphanam cho thế hệ F2, ông chuẩn bị cho mục tiêu startup lần này thế nào? Sau khi cơ bản bàn giao Alphanam cho thế hệ thứ hai, tôi đã kêu gọi các các anh em của Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ như anh Nguyễn Cảnh Hồng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Eurowindow Holding, anh Đặng Hồng Anh - Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC, chị Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, anh Nguyễn Thành Phương - Chủ tịch Tập đoàn Kangaroo hay chị Cao Thị Ngọc Dung- Chủ tịch Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), anh Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tâp đoàn Phú Thái, chị Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank…cùng Startup trở lại, thành lập Công ty cổ phần Nghị Lực Sống - Doanh nghiệp xã hội. Tôi đứng ra nhận vai trò Phó Chủ tịch thường trực. Trong đề án thành lập công ty, dự kiến Vân (Nguyễn Thị Vân) vẫn là lãnh đạo tinh thần bởi việc thành lập Công ty này cũng là sự nối tiếp của Trung tâm Nghị Lực Sống mà Vân đã làm nhiều năm qua. |
Ở tuổi 58 bắt đầu startup, câu chuyện khởi nghiệp lần này của ông có gì khác so với hồi 23 tuổi? Tôi cho rằng điểm giống nhau đầu tiên của hai lần khởi nghiệp là đều mong muốn ngày mai tốt đẹp hơn ngày hôm nay. Tuy nhiên, trước đây startup Alphanam, thực sự lúc đó nghĩ cho bản thân mình, nghĩ làm sao cho cuộc sống gia đình, con cái tốt hơn, có điều kiện thuận lợi hơn. Còn hôm nay, cũng một mong muốn chung ngày mai tốt đẹp hơn nhưng không phải cho bản thân mình nữa mà cho cộng động người khuyết tật và người yếu thế. Đặc biệt, trước đây tôi làm một mình còn lần này có sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Thường các công ty startup bắt đầu từ con số 0 nhưng với công ty Nghị Lực Sống được startup từ nền tảng là các Doanh nhân Sao Đỏ. Chính vì thế, Nghị Lực Sống sẽ được phát triển theo một cách hoàn toàn khác, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ một nhóm người mà sẽ lan tỏa xây dựng được mô hình hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, người yếu thế. Công ty hy vọng lan tỏa thông điệp cho đi là nhận lại, nhiều người yếu thế trong xã hội được hỗ trợ, được yêu thương. |
Công ty Nghị Lực Sống – Doanh nghiệp xã hội ra đời mang một sứ mệnh đặc biệt, là nơi khơi dậy niềm tin, nuôi dưỡng nghị lực, thắp sáng ước mơ, thay đổi tương lai cho người khuyết tật và người yếu thế. Cụ thể, việc thay đổi tương lai cho người khuyết tật sẽ được triển khai thế nào, thưa ông? Ở Nghị Lực Sống, mỗi cổ đông đều có những đóng góp đặc biệt của riêng mình để góp phần tạo dựng lên một doanh nghiệp xã hội tiên phong trong hoạt động cộng đồng. Mỗi doanh nhân sẽ xây dựng các trung tâm Nghị Lực Sống ở quê hương mình trước. Tôi sẽ làm thí điểm đầu tiên một mô hình ở Lào Cai theo nguyên tắc chủ đầu tư và đơn vị vận hành. Tại các trung tâm này, doanh nhân có thể đầu tư với vai trò là chủ đầu tư một cơ sở vừa đào tạo vừa có chỗ lưu trú và vừa sản xuất kinh doanh hoặc một trung tâm chỉ đào tạo, tùy theo khả năng của mỗi người. Các nhà đầu tư chỉ việc đầu tư vào trung tâm theo "concept" của công ty Nghị Lực Sống rồi giao cho Công ty quản lý vận hành trung tâm. Với cách thức vận hành này, các trung tâm sẽ triển khai nhanh, đồng bộ, thống nhất trong quản lý, tạo thành chuỗi vận hành theo mô hình của Nghị Lực Sống xây dựng. Tất cả kiến thức về mặt quản trị của doanh nhân sẽ được đưa vào áp dụng để quản lý chuyên nghiệp. Ngoài việc xây dựng trung tâm mới thì chúng tôi cũng xem xét hỗ trợ các trung tâm đang hoạt động dựa trên tinh thần hợp tác để cùng vì một mục tiêu chung giúp đỡ người khuyết tật. |
Với một startup có sự chung tay của các doanh nhân tên tuổi trên thị trường thì có thể khẳng định 100% thành công ngay từ bước đầu không, thưa ông? Tôi không dám chắc điều đó nhưng có một điều tôi dám khẳng định: "Chúng tôi tập hợp với nhau bởi một điểm chung là có tấm lòng muốn đóng góp, giúp ích cho xã hội". Sự đóng góp vào công ty này rất đa dạng thành phần, người có kinh nghiệm góp kinh nghiệm, người có tài chính góp tài chính, người có trí tuệ góp trí tuệ…Vì vậy, công ty là sự tổng hợp sức mạnh của rất nhiều người cùng có chung một tấm lòng. Ông đã lường trước những khó khăn mà Nghị Lực Sống sẽ phải đối mặt khi nguồn nhân lực chính của công ty là người khuyết tật và người yếu thế trong xã hội? Khi thành lập Nghị Lực Sống, chúng tôi cũng không kỳ vọng có thể giải quyết được hết tất cả mọi vấn đề của người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn. Điều chúng tôi muốn là làm thế nào để lan tỏa tới xã hội, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác. Chúng ta có hơn 6 triệu người khuyết tật, người yếu thế, chiếm đến 7% dân số Việt Nam. Chúng tôi chỉ kỳ vọng làm được một góc nhưng làm thế nào lan tỏa được giá trị này một cách rộng rãi nhất để mọi người cùng nhau chung tay thực hiện. |
Có thể nói, công ty Nghị Lực Sống là một trong những startup đầu tiên của Việt Nam quy tụ tầng lớp doanh nhân thành công, có kinh nghiệm trong phát triển kinh doanh. Vậy, hướng phát triển kinh doanh của Nghị Lực Sống đã được hoạch định thế nào, thưa ông? Thời gian tới, Nghị Lực Sống sẽ hoạt động theo 3 nguyên tắc cơ bản. Nguyên tắc đầu tiên là về cung cầu. Một là nhu cầu của người khuyết tật. Hai là nhu cầu của doanh nghiệp. Chúng tôi có trách nhiệm đào tạo những người đủ khả năng để lao động cho doanh nghiệp. Nguyên tắc thứ hai là hòa nhập. Công ty hướng tới việc làm thế nào để người khuyết tật có thể hòa nhập vào cộng đồng và cuộc sống thường ngày. Nguyên tắc thứ ba, phải thay đổi suy nghĩ của người khuyết tật - hòa nhập vào cuộc sống, không tự ti. Và đối với những người có lợi thế hơn như các Doanh nhân cần cho họ thấy được việc giúp đỡ người yếu thế là một việc đáng tự hào. Nếu giải quyết được tất cả các việc đó cùng một lúc thì công ty ngày càng mạnh hơn vì được lan tỏa nhiều hơn. Với tầm nhìn trở thành doanh nghiệp xã hội điển hình trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực, hướng nghiệp và tạo việc làm cho người yếu thế, Nghị Lực Sống mong muốn xây dựng được thành mô hình chuỗi để đào tạo, tạo công ăn việc làm cho nhiều người nhất. Đồng thời, Nghị Lực Sống là nơi khơi dậy niềm tin, nuôi dưỡng nghị lực, thắp sáng ước mơ, thay đổi tương lai cho người khuyết tật và người yếu thế. Để họ cảm thấy rằng, mình cũng là một điểm mạnh. Công ty Nghị Lực Sống sẽ hoạt động với nguyên tắc sử dụng phần lớn lợi nhuận vào mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế, sử dụng tối đa nhân sự là người khuyết tật và người yếu thế, các hoạt động kinh doanh đem lại lợi nhuận sẽ tái đầu tư các Trung tâm đào tạo, hướng nghiệp cho người khuyết tật và người yếu thế. |
Nghị Lực Sống có phải là phải là cách các doanh nhân Sao Đỏ phụng sự xã hội, phụng sự đất nước không, thưa ông? Được khởi xướng và vận hành bởi doanh nhân nên Nghị Lực Sống vận hành với triết lý: "Không phải là một công ty quyên góp tiền trao con cá cho người nhận mà là một công ty tạo ra cần câu, thậm chí tạo ra cả ao cá để làm thế nào đem lại giá trị lan tỏa rộng nhất". Các doanh nhân đều không coi việc xin tiền là điểm mạnh mà phải kiếm được ra lợi nhuận nhiều để dùng lợi nhuận làm được nhiều việc đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Cho nên công ty này không sinh ra chỉ để đi xin tiền mà sinh ra để làm thế nào hoạt động kinh doanh hiệu quả đem lại nhiều tiền, nhiều lợi nhuận nhất. Và có được nhiều lợi nhuận đó để đem lại nhiều cần câu cho người khuyết tật và người có hoàn cảnh yếu thế. Công ty được cấu trúc thành hai cấu phần hoàn toàn độc lập. Một cấu phần là trí tuệ và một là sự đồng lòng, tình cảm của các doanh nhân thành công, tập thể có uy tín trong xã hội để làm thế nào tạo ra được nhiều lợi nhuận nhất. Từ đó, chọn ra những hình thức như thế nào để xây dựng được thành các chuỗi, cơ sở mà để đào tạo được nhiều người nhất, tạo công ăn việc làm cho nhiều người nhất. |
|
Trong công ty gia đình, doanh nghiệp có sự tiếp nối giữa cha và con, giữa thế hệ F1 và F2. Còn đối với Nghị Lực Sống, thế hệ tiếp nối sẽ như nào? Điều đầu tiên mà thế hệ tiếp nối của Nghị Lực Sống cần đó là một chữ Tâm. Thứ hai, chung mục tiêu giúp người khuyết tật, người yếu thế. Thứ ba, tập hợp những người có khả năng để trở thành một đội gắn kết và có sức mạnh. Bản thân tôi chắc làm cũng chỉ tính một nhiệm kỳ 5 năm và tôi cũng phải xây dựng để thế hệ tiếp theo tiếp quản. Chọn ra mắt Nghị Lực Sống đúng vào ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Điều này có gì đặc biệt, thưa ông? Đây là công ty của các doanh nhân cùng chung tay đóng góp thành lập để làm những việc có ích cho xã hội, hỗ trợ những người khuyết tật và người yếu thế. Thế nên, ra mắt đúng vào ngày Doanh nhân - ngày Tết của chính mình thì còn gì vui bằng. Trong ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay, ước mơ của ông là gì? Đại đa số các doanh nhân đều nghĩ làm doanh nhân để cuộc sống của bản thân và gia đình tốt đẹp hơn. Nhưng khi cuộc sống tốt hơn, việc chúng tôi mong muốn hơn nữa là được công nhận. Tôi cũng không ngoại lệ, tôi muốn phụng sự đất nước, làm những điều có ích cho xã hội để được trân trọng, được công nhận. Ông có thông điệp gì muốn gửi đến thế hệ doanh nhân trẻ ngày nay? Để có sự thành công khác biệt thì cũng cần có bản lĩnh khác biệt. Doanh nhân trẻ cần phải biết cách nhìn thấy cơ trong nguy, luôn bình tĩnh, tự tin giải quyết mọi vấn đề theo tư duy tích cực. Nhìn cái tiêu cực theo con mắt tích cực thì sẽ làm được những điều khác biệt. |
Xin cảm ơn ông! Thanh Ngà – Dương Nga Nguyễn Nguyễn Hải An |