Chiều 3/6, trao đổi với Báo Công Thương, anh Trần Anh Tuấn (31 tuổi, chủ quán phở Tuấn Nhung ở phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, vào 8h cùng ngày nhóm gồm 5 người từng theo chân ông Thích Minh Tuệ; trong đó có người được gọi là Hộ pháp Kim Cang đến quán phở nhà anh ở địa chỉ nói trên ăn sáng.
Theo anh Tuấn, những người trên đến quán anh kêu đồ chay ăn có bún với xì dầu kèm thêm rau chứ không phải đến ăn phở bò như nhiều người nói trên mạng xã hội.
Quán phở nơi đoàn người theo chân ông Thích Minh Tuệ vào ăn sáng (Ảnh: Bạn đọc Báo Công Thương cung cấp). |
Anh Tuấn cho biết, những người này có chia sẻ sau khi trở về nhà cũng sẽ ăn chay. Còn cộng đồng mạng nói việc họ ăn phở bò là không đúng làm ảnh hưởng hình ảnh người tu.
Trước đó, trưa 3/6, cộng đồng mạng xôn xao hình ảnh người đàn ông với bàn tay to, khuôn mặt khá dữ được gọi là Hộ pháp Kim Cang đã cởi bỏ y phục na ná ông Thích Minh Tuệ.
Sau khi “xuống áo”, Hộ pháp Kim Cang và nhiều người từng theo chân ông Tuệ khoác lên mình áo phông màu xanh có cổ khác xa với hình ảnh những ngày trước đó theo chân ông Tuệ.
Nhiều người bắt gặp hình ảnh Hộ pháp Kim Cang di chuyển trên đường với thường phục nói chuyện rất rôm rả. Sau đó, là hình ảnh người đàn ông này cùng đoàn người từng theo chân ông Tuệ vào quán phở Tuấn Nhung ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Clip được dân mạng chia sẻ cho thấy, Hộ pháp Kim Cang là người đi đầu với áo phông màu xanh và quần dài. Người đàn ông này bước vào quán phở Hà Nội ở ven đường được cho là tại địa phận huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với sự gấp gáp, liên tục quay đầu lại vẫy tay giục những người theo sau nhanh chân vào quán.
Sau đó là hình ảnh Hộ pháp Kim Cang cùng 3 người đàn ông khác được cho là từng đi theo ông Thích Minh Tuệ ngồi ăn phở. Tuy nhiên, việc ăn phở đã được cộng đồng mạng bình luận với nhiều quan điểm trái chiều.
Theo chủ quán phở, đoàn người đến ăn sáng chỉ dùng đồ chay với xì dầu chứ không phải ăn phở bò (Ảnh: Bạn đọc cung cấp). |
Sự xuất hiện của Hộ pháp Kim Cang tại quán phở đã để lại nhiều bình luận hài hước trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều người khẳng định, ông Kim Cang và một số người khác mặc đồ na ná đi theo ông Tuệ với tâm lý đám đông chứ không phải đi theo để tu.
Nhiều người bình luận, việc tu là tại tâm, không nhất thiết phải xuất hiện và đi theo ông Thích Minh Tuệ. Bởi như thế không những làm ảnh hưởng quá trình tu của ông Tuệ mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến an toàn giao thông, an ninh trật tự…
Trong hành trình trở về của lần đi bộ thứ tư này đã xảy ra hiện tượng tập trung đông người đi theo ông Lê Anh Tú, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự và cảnh quan môi trường.
Đặc biệt, ngày 30/5 đã xảy ra việc một người đàn ông trong đoàn người đi theo có tên là L.T.S (trú tại Quận 1, TP HCM) bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong.
Tiếp theo đó là ngày 2/6, có 2 người phụ nữ khi đi theo ông Tú và đoàn người đã bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường. Các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa đến bệnh viện để điều trị.
Trước sự việc đáng tiếc nêu trên, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội.
Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.