Bộ Nội vụ sẽ thanh tra việc tuyển dụng công chức ở nhiều đơn vị, địa phương Hưng Yên: Những giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo |
Chiều 25/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lễ công bố và trao Nghị quyết về việc điều động, bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.
Theo đó, tại Nghị quyết số 968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều động, bổ nhiệm ông Bùi Thế Cử, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hưng Yên, giữ chức vụ Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội luôn xác định chủ trương không ngừng đổi mới trong công tác tổ chức cán bộ; quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (bên phải) trao Nghị quyết và chúc mừng ông Bùi Thế Cử được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm giữ chức vụ Trợ lý Chủ tịch Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn) |
Ông Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Lãnh đạo Quốc hội luôn kỳ vọng các Trợ lý, thư ký phát huy đức tính chủ động, sáng tạo, nhiệt huyết, trách nhiệm trong tham mưu đề xuất giải quyết công việc vì lợi ích chung và mang tính chiến lược; "luôn luôn bị động để thủ trưởng chủ động".
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, các Trợ lý, Thư ký phải thể hiện vai trò cầu nối giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, cầu thị nhằm góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị đổi mới, năng động, sáng tạo, hiệu quả, thực chất.
Ông Trần Thanh Mẫn cho biết, trên cương vị, môi trường làm việc mới, với vai trò tham mưu, giúp việc cho Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, đòi hỏi Trợ lý Chủ tịch Quốc hội phải có tầm nhìn bao quát, tổng thể, chiều sâu; năng lực tham mưu chiến lược; kinh nghiệm, sức sáng tạo, tư duy tốt, phản ứng nhanh để đề xuất, tham mưu giải quyết công việc.