Thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng vốn là vùng thường xuyên chịu tác động nặng nề từ xâm nhập mặn. Thế nhưng năm nay, nhờ có công trình ngăn mặn từ phía Tây Bạc Liêu, Kiên Giang nên đã khống chế được độ mặn. Bên cạnh đó, dự báo trước hạn mặn sẽ về sớm, tỉnh đã thực hiện chủ trương xuống giống trước một tháng, áp dụng phương pháp trồng lúa nước nhưng ít nước. Do đó, dù thiệt hại do hạn mặn đối với cây lúa là có, nhưng không đáng kể.
Ông Lương Minh Quyết – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng – cho biết, trong số 174 ngàn ha lúa Đông Xuân, dù có khoảng 500 ha giảm năng suất nhưng vẫn đạt 5,5 tấn. Năm nay, những nơi nào không chịu tác động của hạn mặn thì trúng cả mùa và giá. Cả tỉnh diện tích giảm năng suất khoảng 1.000ha, giảm năng suất chứ không phải bị thiệt hại.
Để chống hạn mặn, Sóc Trăng đã xây dựng cho mình kịch bản thích ứng với thiên tai, bước đầu đã giảm thiểu thiệt hại |
Còn đối với cây ăn trái, ông Lương Minh Quyết cho hay, hiện chưa bị thiệt hại. Một số hộ đã thí điểm chuyển đổi sang những giống cây ăn trái thích nghi với hạn mặn như dừa, bưởi da xanh cho hiệu quả cao. Hiện địa phương cũng đang canh nước sông Mê Kông về để thông báo cho bà con tích nước trong vườn bảo đảm cho cây ăn trái. Dự kiến sẽ tích nước để đảm bảo cho khu vực trồng màu, trồng cỏ nuôi bò, cải tạo môi trường, phục vụ vận chuyển. “Độ mặn 2 đến 3 phần nghìn chúng tôi cũng vẫn lấy, vừa cải tạo môi trường, phục vụ vận chuyển và còn chống sạt lở. Phục vụ vận chuyển cũng rất quan trọng, nếu không có nước, giá lúa sẽ giảm 200 đồng/kg, như vậy 1 tấn lúa sẽ mất 2 trăm ngàn”, ông Lương Minh Quyết nói.
Hiện Sóc Trăng đang phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai một số mô hình giống cây chống chịu hạn, mặn, tiết kiệm nước. Nếu hiệu quả sẽ nhân rộng mô hình này tại một số địa phương, giúp nông dân dần thích nghi với điều kiện thời tiết sản xuất ngày càng khắc nghiệt. Không chỉ trong sản xuất, tỉnh ủy Sóc Trăng cũng đã cam kết hỗ trợ người dân thiếu nước sinh hoạt.
Thực tế từ cuối năm ngoái, đã có 5 dự án với 18 cống ngăn mặn được đưa vào vận hành, nhằm kiểm soát mặn cho hơn 300.000 ha toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vùng Ngã Năm của Sóc Trăng là một phần diện tích được hưởng lợi từ các công trình này.
Tuy vậy, tình hình xâm nhập mặn vẫn diễn ra khốc liệt, đã có 5 tỉnh vừa công bố tình trạng khẩn cấp, trong đó phải kể đến Bến Tre. Những ngày này, trên sông Hàm Luông mặn vào sâu tới 75km. Hậu quả là các ngành kinh tế chủ lực như dừa và cá tra đều bị thiệt hại.
Bà Trần Thị Kim Cương – Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre) - cho biết, ảnh hưởng của hạn mặn tác động nhiều nhất đến cá nước ngọt đặt biệt là cá tra. Hạn mặn tăng cao, đối với một số vùng cá tra, hạn mặn có thể lên đến 22 phần ngàn, tỷ lệ chết 3 - 5%. Một số cơ sở đã tạm thời đóng cống, không thay nước. Độ mặn lên cao sẽ ảnh hưởng đến sức đề kháng của con cá tra, là tác nhân gây một số bệnh sẽ xâm nhập và làm cá yếu đi và chết.
Là một trong những hộ trồng dừa tại tỉnh Bến Tre, ông Phạm Văn Đồng (huyện Châu Thành) - chia sẻ, hạn mặn ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng, dừa rụng nhiều, trước 10 trái thì nay chỉ cho 4 trái, khiến năng suất giảm 50%.
Đến thời điểm này, chưa có số liệu thống kê thiệt hại về thủy sản và cây ăn trái. Song đã có 88.300 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt, 39.000 ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại. Con số này thấp hơn nhiều so với 405.000 ha thiệt hại năm 2016. Tuy nhiên, mùa khô vẫn đang tiếp diễn và tình hình hạn mặn chưa kết thúc.
Đánh giá cao sự chủ động của người dân, chính quyền trong việc chủ động các giải pháp chống hạn mặn, trong đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm giảm thiểu thiệt hại. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay, giải pháp về ngắn hạn trước hết là phải đảm bảo nguyên tắc không để hộ dân nào thiếu nước dùng. Về lâu dài phải có một nghiên cứu tổng thể, chia đồng bằng sông Cửu Long thành 3 vùng ngọt – lợ - mặn, biến thách thức thành cơ hội, phải coi nước mặn cũng là tài nguyên, sử dụng làm sao cho hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, thì phải quy hoạch lại toàn bộ thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long phù hợp hạ tầng sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục được đầu tư các công trình kiểm soát nước mặn nhiều hơn nữa. Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất thích ứng với điều kiện hạn mặn diễn ra hàng năm.