Ứng phó sự cố hóa chất là cần thiết
Hóa chất đóng vai trò không thể thiếu trong phát triển kinh tế. Bên cạnh mặt tích cực hóa chất còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Một trong những nguyên nhân gây ra các sự cố hóa chất là do yếu tố con người. Nhận định rõ yếu tố nguy hiểm tiềm ẩn gây thiệt hại trực tiếp đến tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 2165/QĐ- UBND ngày 30/11/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt “Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.
Diễn tập thực binh phương án ứng phó sự cố hóa chất và cứu hộ cứu nạn tại Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc |
Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 44/KH- BCĐ ngày 18/10/2018 của Ban diễn tập về “Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” năm 2018 tại Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.
Ông Vương Thành Chung - Phó giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố và an toàn hóa chất cho biết, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc là đơn vị sản xuất phân bón, thường xuyên phải sử dụng và lưu trữ các loại hóa chất trong kho như: Amoniac (NH3), Axit sulfuric (H2SO4), lưu huỳnh (S)… Đây là các loại hóa chất độc hại, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động nếu để xảy ra rò rỉ ra bên ngoài.Để giúp công ty kịp thời ứng phó, ngăn ngừa hiệu quả với sự cố hóa chất, buổi diễn tập đã thực binh phương án ứng phó với sự cố xì hở hóa chất Amoniac tại thùng hoãn xung 705 của xí nghiệp Urê 1.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc - cho biết: Thời gian qua, công ty luôn chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về sản xuất kinh doanh hóa chất phân bón không để xảy ra sự cố hóa chất. Đáng chú ý, công ty đã thực hiện kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất được Bộ Công Thương phê duyệt hàng năm. Đây là dịp tốt để công ty và cán bộ công nhân viên học tập và nhận thức sâu sắc đối với việc phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm người lao động trong việc thực hành thao tác hạn chế đến mức tối đa việc xảy ra sự cố. “Cuộc diễn tập đã tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp thực hành, rút kinh nghiệm nếu trong trường hợp xảy ra sự cố lớn ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Đồng thời, sau cuộc diễn tập, công ty sẽ cho rà soát sửa đổ, bổ sung cập nhật các bước xử lý đối với các tình huống trong kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cho phù hợp với thực tế”- ông Nguyễn Văn Dũng khẳng định.
Chủ động phòng ngừa thay vì ứng phó
Ghi nhận về buổi diễn tập, ông Phan Văn Hùng - Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang nhấn mạnh, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã thực hiện tốt theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Đồng thời bảo đảm cung cấp thông tin tới các cơ quan cấp trên để có được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả trong việc ứng phó sự cố xảy ra.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Hùng cho rằng, thời gian tới các cơ sở hóa chất phải thường xuyên tổ chức thực hiện việc diễn tập phương án xử lý sự cố hóa chất theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là những cơ sở hóa chất độc thuộc danh mục quy định tại Quyết định số 26/2016/QĐ- TTg ngày 1/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc.
Ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - phát biểu đánh giá rút kinh nghiệm quá trình diễn tập |
Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - cho rằng, nhiệm vụ quan trọng đối với sự cố lớn về hóa chất là vấn đề ứng phó tại chỗ và sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan. Cụ thể, ứng phó tại chỗ của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc rất tốt. Bởi trên thực tế, sự cố hóa chất rất nguy hiểm và gây hệ lụy rất lớn đòi hỏi phải xử lý ngay, khắc phục sớm vì có tính lan truyền rất cao.
“Đối với các cơ sở hóa chất lớn đóng tại các địa phương, nếu xảy ra sự cố hóa chất là rất nguy hiểm. Theo tôi, các địa phương cần thường xuyên diễn tập. Về vấn đề này, Cục Hóa chất khuyến khích các các địa phương cùng phối hợp triển khai diễn tập ứng phó với sự cố hóa chất. Đặc biệt đối với các tỉnh công nghiệp lớn và trong đó có ngành công nghiệp hóa chất” - ông Nguyễn Văn Thanh chỉ rõ.
Ông Nguyễn Văn Thanh cũng lưu ý, doanh nghiệp cần có ý thức chủ động phòng ngừa thay vì để xảy ra sự cố rồi mới ứng phó thì quá muộn. Doanh nghiệp cần bám sát đánh giá rủi ro mới nhất, chú ý các sự cố đã từng xảy ra, chủ động lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó nhanh chóng, sát với tình hình thực tiễn...
Cục Hóa chất đề nghị các địa phương chủ động hơn để có các kịch bản cũng như thực hiện diễn tập theo quy định của Luật hóa chất, Nghị định 113. Bên cạnh đó, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong ứng phó sự cố hóa chất, nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, nhằm ngăn ngừa không để sự cố xảy ra cũng như sẵn sàng tích cực tham gia ứng phó khi sự cố xảy ra. Quan trọng hơn là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy trong hoạt động hóa chất.