Thứ ba 05/11/2024 17:23

Chủ đầu tư Khu đô thị Sixsenses Sài Gòn River: Ngàn tỷ đồng tiền trả trước của khách đi đâu?

Báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty TNHH Hai Dung – Chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Sixsenses Sài Gòn River - ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng người mua trả trước.

Tuy nhiên, tới năm 2022, số tiền này bỗng nhiên “bốc hơi” không để lại dấu vết.

Ngàn tỷ đồng tiền trả trước của khách “bốc hơi”

Công ty TNHH Hai Dung chưa phải là tên tuổi lớn trong ngành bất động sản. Nhưng nhờ sở hữu Dự án Khu đô thị sinh thái Sixsenses Sài Gòn River (Nhơn Trạch, Đồng Nai), doanh nghiệp này đã tạo được dấu ấn và thu hút sự quan tâm từ phía thị trường và khách hàng, nhất là những người quan tâm đến các sản phẩm bất động sản cao cấp.

Dự án Sixsenses Sài Gòn River có tổng diện tích 55,3ha, được quảng bá với nhiều sản phẩm biệt thự xa xỉ, mang đến không gian sống sang trọng và tiện nghi cao cấp. Theo đó, ngày 28/12/2009, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định số 3885/QĐ-UBND giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 325,763 m2 đất cơ sở, sản xuất kinh doanh để doanh nghiệp làm dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Six Senses Saigon River.

Ngày 17/12/2021, UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 5009/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Six Senses Saigon River.

Tuy nhiên, nhiều hộ dân không đồng ý với phương án bồi thường bởi giá bồi thường được cho quá “bèo”, chỉ từ 560.000 đồng/m2 đến 3.038.000 đồng/m2. Trong khi đó, giá biệt thự tại đây được rao bán hàng triệu USD. Đến giữa năm 2022, dự án vẫn chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng vì nhiều hộ dân “than” giá đền bù quá thấp.

Phối cảnh Dự án Khu đô thị Six Senses Saigon River

Dù dự án còn ngổn ngang và chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng song chủ đầu tư Công ty TNHH Hai Dung đã tiến hành hoạt động bán hàng. Báo cáo tài chính cho thấy, nhiều năm gần đây, doanh thu Công ty Hai Dung luôn là 0 đồng vì quy định chỉ khi nào bàn giao bất động sản, doanh nghiệp mới được ghi nhận doanh thu nhưng nguồn tiền từ khách hàng vào tài khoản công ty đã rất cao.

Cụ thể, năm 2020, Công ty Hai Dung ghi nhận 42 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn. Sang năm 2021, chỉ tiêu này vọt lên 1.085 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng tài sản. Điều đó có nghĩa trong năm 2021, hoạt động bán hàng của Hai Dung khá tốt.

Nhưng theo quy định, chỉ khi nào chủ đầu tư bàn giao bất động sản cho khách hàng thì tiền thu từ hoạt động bán hàng mới được ghi nhận vào doanh thu. Vì vậy, hơn 1.085 tỷ đồng kể trên được “treo” ở chỉ tiêu người mua trả tiền trước ngắn han.

Thông thường, sang năm 2022, nếu chủ đầu tư bàn giao sản phẩm cho khách hàng, dòng tiền kể trên sẽ được “chuyển” từ người mua trả tiền trước ngắn hạn sang doanh thu. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, tại ngày 31/12/2022, khi Hai Dung tiếp tục ghi nhận doanh thu 0 đồng thì 1.085 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn bỗng nhiên “biến mất”.

Và càng khó hiểu hơn, theo báo cáo năm 2022, tại ngày 31/12/2021, hơn 1.085 tỷ đồng người mua trả tiền trước không hề tồn tại dù trong báo cáo năm 2021 chỉ tiêu này đã xuất hiện.

Trong khi đó, báo cáo năm 2022 của Công ty Hai Dung ghi nhận 903 tỷ đồng phải trả ngắn hạn khác, tăng mạnh so với con số 1.159 tỷ đồng hồi cuối năm 2021. Còn trong báo cáo của năm 2021, chỉ tiêu phải trả ngắn hạn khác chỉ là 305 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 1.159 tỷ đồng.

Thua lỗ triền miên, âm nặng dòng tiền

Vì chưa có sản phẩm để bàn giao cho khách hàng nên dù hoạt động bán hàng được tiến hành khá tốt trong vài năm qua nhưng Công ty Hai Dung liên tục ghi nhận doanh thu 0 đồng. Thêm vào đó, công ty này cũng ghi nhận tình trạng thua lỗ triền miên.

Trong giai đoạn 3 năm gần đây (2022-2020), công ty lần lượt thua lỗ 17,4 tỷ đồng (năm 2022), 17,3 tỷ đồng (năm 2021) và 10 triệu đồng (năm 2020). Tích lũy nhiều năm thua lỗ trước đó, tới ngày 31/12/2022, Hai Dung gánh lỗ lũy kế 134 tỷ đồng. Điều đó khiến Vốn chủ sở hữu chỉ còn 366 tỷ đồng, hao hụt nhiều so với 501 tỷ đồng Vốn góp chủ sở hữu.

Do thua lỗ triền miên nhưng lại phải thanh toán nhiều nên tại ngày 31/12/2022, Tiền và các khoản tương đương tiền của công ty chỉ còn 66,3 tỷ đồng, giảm 358,7 tỷ đồng, tương đương 84,4% so với cuối năm 2021.

Dòng tiền suy giảm khiến Công ty Hai Dung rơi vào cảnh âm nặng dòng tiền.

Tại ngày 31/12/2022, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của công ty là âm 359 tỷ đồng dù cuối năm 2021 là dương 425 tỷ đồng.

Dòng tiền đi ra khỏi công ty nhiều nhất ở hình thức tiền chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản khác (306 tỷ đồng). Đứng sau là Tiền trả nợ gốc vay (250 tỷ đồng), Tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh (227 tỷ đồng),…

Công ty TNHH Hai Dung thành lập ngày 10/4/2006. Ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Anh Tuấn.
Khánh Vân
Bài viết cùng chủ đề: Bất động sản

Tin cùng chuyên mục

Vì sao chuyên gia nhận định nhu cầu đầu tư bất động sản phía Nam sẽ gia tăng?

Một số cò đất bị lợi ích chi phối, bất chấp quy định pháp luật

Vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh có nhiều động lực, lợi thế phát triển thị trường bất động sản

TP. Hồ Chí Minh: Đất ở được tách thửa tối thiểu 36m2 và tối đa 80m2

Bộ Xây dựng: Nhiều môi giới bất động sản yếu kém về đạo đức kinh doanh

Duy nhất một dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành trong quý 3/2024

TP. Hồ Chí Minh: Chính thức cấm phân lô, bán nền

Sống xanh bao quanh tiện ích tại biệt thự hạng sang phía Tây Hà Nội

Hấp lực khó cưỡng từ 2 tòa phức hợp đa tiện ích The Sola Park

Nóng bỏng tay, 93% căn hộ Sun Group từ 1 tỷ đồng hết bay trong 'một nốt nhạc'

Nhiều chuyên gia đánh giá cao phân khúc bất động sản cao cấp phía Nam

Những trải nghiệm giữa tầng không chỉ có thể tìm thấy tại Sky Villa Noble Crystal Tay Ho WorldHotels Residence

Bất động sản phía Nam vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội

Vận hành Quý I/2025, InterContinental Residences Halong Bay thu hút nhà đầu tư dài hạn

Lightland Holdings ký kết hợp tác chiến lược phân khu Hải Tiến Center

Yếu tố giúp căn hộ Pearl Residence thu hút nhà đầu tư trẻ

Bảng giá đất TP. Hồ Chí Minh: Đắt nhất thuộc về quận 1, chạm mốc 700 triệu đồng/m2

BIM Group khánh thành khách sạn thương hiệu quốc tế thứ hai tại Thủ đô Viêng Chăn - Lào

Lại 'nóng' đất đấu giá ở Hà Nội, làm thế nào để ngăn hiện tượng giá 'ảo'?

Bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều tiềm năng và thách thức