Kiểm tra tại Siêu thị điện máy Ebest
CôngThương - Phần mềm vừa ra mắt cũng “không thoát”
Trong hai đợt kiểm tra vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 mới đây, Đoàn thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với lực lượng cảnh sát tiến hành kiểm tra Siêu thị Điện máy - Nội thất Việt Long (10 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) và Đoàn kiểm tra của Phòng Quản lý thị trường TP.Hồ Chí Minh cũng tổ chức đợt kiểm tra bất ngờ tại Công ty TNHH Thương mại Gia Bảo A.B (108 Bùi Thị Xuân, quận 1), Công ty TNHH Long Bình (50 Nguyễn Cư Trinh, quận 1) và Siêu thị Điện máy Ebest thuộc Công ty TNHH Thiên Thuận Tường (70 Lữ Gia, quận 11).
Tại các doanh nghiệp này, thanh tra liên ngành đã phát hiện nhiều máy tính thương hiệu Acer, Asus, Samsung, HP, Dell, Compaq cài đặt phần mềm không bản quyền của Microsoft như Windows 7 Ultimate, Office Professional Plus 2010, Windows 7 Home Premium, Microsoft Office Enterprise 2007. Đặc biệt có máy tính còn cài đặt Windows 8 Pro - hệ điều hành mới nhất của Microsoft vừa ra mắt chính thức trên toàn cầu vào ngày 26/10/2012 và tại Việt Nam vào ngày 1/11/2012.
Trở thành “quốc nạn”
Thực tế, tại Việt Nam còn rất nhiều doanh nghiệp bán máy tính tự cài đặt phần mềm không bản quyền cho khách hàng. Hành động này cần phải được nghiêm khắc xử lý bởi được coi là “tiếp tay” cho thói quen sử dụng “chùa” của nhiều người hiện nay và quan trọng hơn là gây ảnh hưởng tiêu cực cho ngành công nghệ thông tin quốc gia. Hơn thế, căn cứ theo chính sách cấp phép, các bản dùng thử phần mềm Microsoft của hãng có những quy định cụ thể và thường chỉ dành cho các nhà phát triển hoặc dùng để lấy ý kiến đánh giá của người sử dụng chứ không được sử dụng cho mục đích quảng cáo hay thương mại. Do đó, bất kỳ hành động cài đặt phần mềm Microsoft trái với chính sách của hãng là vi phạm luật sở hữu trí tuệ.
Vi phạm bản quyền tại Việt Nam vẫn luôn là một vấn nạn đáng lo ngại, mặc dù tỷ lệ vi phạm của Việt Nam đã giảm từ 83% năm 2010 xuống còn 81% vào năm 2011. Tuy nhiên, theo số liệu của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA) công bố hồi tháng 4 vừa qua, tổng giá trị phần mềm máy tính vi phạm bản quyền ở Việt Nam năm 2011 là 395 triệu USD, chỉ giảm 4% so với năm 2010. Ngoài những sản phẩm phổ thông của nước ngoài như Windows, Microsoft Office, Adobe, Corel hay Photoshop, một số sản phẩm phần mềm thương mại của Việt Nam cũng thường xuyên xuất hiện trong danh sách những sản phẩm bị vi phạm như từ điển Lạc Việt của công ty Lạc Việt, hay bộ gõ Vietkey của nhóm Vietkey Group. Việc sáng tạo ra các phần mềm chuyên nghiệp phải tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và công sức, việc người dùng không chịu trả tiền cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không có điều kiện để phát triển phần mềm tốt.
Năm 2003, mức độ vi phạm bản quyền tại Việt Nam đứng số 1 thế giới, sau gần 10 năm nỗ lực chống vi phạm bản quyền, hiện Việt Nam đang xếp thứ 22. Kết quả khả quan này là do Chính phủ cùng với các cơ quan liên ngành đã quan tâm rất nhiều đến cuộc chiến chống lại nạn vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong khối doanh nghiệp và người dùng cá nhân, luật pháp Việt Nam cũng được thực thi nghiêm túc với quy định ban hành về vi phạm bản quyền sẽ bị xử lý với mức phạt tối đa lên tới 500 triệu đồng.
Vi phạm bản quyền không chỉ kìm hãm sự phát triển của nền công nghiệp phần mềm, mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và làm tổn hại đến hình ảnh quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. |