Thực phẩm bẩn “bủa vây” cổng trường học Đồng bộ các giải pháp để nâng hiệu quả quản lý thực phẩm |
Gia tăng vụ vi phạm
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thời gian qua, cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị. Tính riêng quý I/2024, cả nước có 16 vụ với 659 người bị ngộ độc thực phẩm, tăng gần 3 lần về số người bị ngộ độc so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 3 người tử vong.
Điển hình tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), chưa đầy một tháng nhưng trên địa bàn có ba vụ ngộ độc thực phẩm nối tiếp nhau liên quan hàng trăm người. Xót xa khi một bé ở trường tiểu học đã tử vong sau bữa ăn nghi ngờ có độc tố.
Thực phẩm bày bán như thế này có đảm bảo an toàn |
Không chỉ những tháng đầu năm nay mới gióng lên hồi chuông cảnh báo an toàn thực phẩm mà nhiều năm qua nguy cơ mất an toàn thực phẩm luôn rình rập. Năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến hơn 2.100 người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, hàng nghìn cơ sở bị phát hiện và xử lý vi phạm, tổng số tiền phạt gần 130 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến hơn 1.359 người bị ngộ độc, có 18 người tử vong; xử lý 23.322 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, tổng số tiền phạt 157,267 tỷ đồng.
Thực tế này cho thấy, việc lên án, kêu gọi sản xuất, kinh doanh có lương tâm hay xử phạt hành chính không đủ sức răn đe, loại bỏ thực phẩm bẩn ra khỏi cuộc sống mà cần phải có chế tài nghiêm khắc hơn, hành động quyết liệt của toàn xã hội.
Giới chuyên gia cũng bày tỏ, cuộc chiến với thực phẩm bẩn chưa bao giờ đáng lo ngại như hiện nay. Sự mất an toàn diễn ra hàng ngày, hàng giờ, hiện diện trong từng mâm cơm của mỗi gia đình, từng bữa ăn bán trú của học sinh... Mỗi đợt cơ quan chức năng ra quân kiểm tra về an toàn thực phẩm lại có những con số choáng váng về thực phẩm bẩn lấn lướt sự an toàn trong từng bữa ăn gia đình.
Đơn cử tại Hà Nội, trong một tháng ra quân tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm Tết (từ ngày 15/12/2023 đến 15/1/2024), toàn TP. Hà Nội đã thanh, kiểm tra 5.411 cơ sở, qua đó phát hiện và xử phạt 675 cơ sở với tổng số tiền hơn 3,27 tỷ đồng. Tuy nhiên dư luận cho rằng, nếu chỉ phát hiện sai phạm rồi xử phạt hành chính thì chưa đủ sức răn đe, bởi không ai dám chắc, các trường hợp sau khi bị phát hiện, xử phạt hành chính lại không tiếp tục “ngựa quen đường cũ”.
Xã hội cần có thái độ rõ ràng, dứt khoát với thực phẩm bẩn
Khảo sát của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, trong 15 năm qua hầu hết các loại ung thư tại Việt Nam đều gia tăng. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó đáng chú ý 35% do thực phẩm không an toàn, chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Các chuyên gia phân tích, khi cơ thể bị nhiễm hóa chất có thể gây ngộ độc lập tức nhưng nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể, đến một lúc nào đó, đủ lượng sẽ gây đột biến tế bào. Nếu đột biến nhẹ, tế bào có thể tự điều chỉnh nhưng bị đi bị lại nhiều lần, tế bào sẽ nhờn, mất khả năng điều chỉnh trở thành tế bào đột biến ác tính.
Một số bệnh ung thư phổ biến liên quan đến thực phẩm bẩn như: Ung thư dạ dày-thực quản. Do một số chất hóa học được dùng trong chăn nuôi hoặc để tẩy trắng thực phẩm, bảo quản thực phẩm có thể làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày, nguy hiểm hơn là ung thư dạ dày. Đặc biệt, chúng có thể làm tổn thương những mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng.
Phổ biến hơn là ung thư gan, khi các hóa chất độc hại, vi khuẩn, virus, nấm mốc… từ thực phẩm bẩn vào cơ thể sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tấn công và kích hoạt quá mức tế bào Kupffer trong gan. Chúng làm sản sinh các chất gây viêm, phá hủy tế bào gan, dẫn đến nhiều bệnh lý gan nguy hiểm, trong đó có ung thư gan.
Bên cạnh đó là ung thư đại trực tràng, do hàm lượng chất bảo quản thực vật có trong rau, củ hay như chất tăng trọng, chất tạo nạc trong thịt lợn, các chất kích thích làm tăng nguy cơ gây ung thư. Đáng lưu ý, những thực phẩm lên men, thực phẩm muối, thực phẩm chế biến sẵn tồn dư nhiều chất bảo quản (thịt muối, dưa muối, cà, cá muối, thịt hun khói, xúc xích, xì dầu) là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng tăng cao.
Ngoài ra còn một số bệnh ung thư khác như: Ung thư tủy, ung thư vòm họng… do lượng thuốc từ thực phẩm bẩn tồn đọng lâu ngày trong người.
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Công Thương, luật sư Trần Xuân Tiền - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội bày tỏ sự bức xúc khi đâu đó vẫn còn tình trạng “một thửa ruộng trồng rau để ở nhà ăn, một thửa để bán chứ không ăn được” hay việc biến thực phẩm hư thối, kém chất lượng thành sản phẩm có giá trị; thực phẩm tẩm ướp hóa chất…
“Những việc làm này không chỉ vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giống nòi của người Việt, đến an toàn cuộc sống. Điều này đòi hỏi phải có biện pháp đồng bộ, tổng thể, ví dụ từ ý thức của người bán hàng và cả ý thức của người mua, cũng như kiên quyết đấu tranh với hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn của toàn xã hội...”, luật sư Trần Xuân Tiền nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với luật sư Trần Xuân Tiền nhiều ý kiến đều bày tỏ sự bức xúc và kịch liệt lên án hành vi kinh doanh, buôn bán hoặc tiếp tay cho thực phẩm bẩn. Nếu chỉ có lực lượng chức năng vào cuộc thì khó có thể kiểm soát được vi phạm, bởi thực tế hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn ngày càng tinh vi, khó lường. Vì thế, cần cả xã hội chung tay tuyên chiến với thực phẩm bẩn. Cả xã hội cần có thái độ rõ ràng, hành động dứt khoát với thực phẩm bẩn như: Phát hiện, tố giác từ sớm các hành vi vi phạm; tẩy chay không sử dụng những thương hiệu đã vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; đối với những trường hợp kinh doanh thực phẩm bẩn khối lượng lớn, vi phạm nhiều lần cần xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như có thể cấm vĩnh viễn việc kinh doanh các loại thực phẩm mà trước đó đã bị xử lý vi phạm.