Như Báo Công Thương đưa tin, từ ngày 14 đến 16/11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 33, xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tiếp nhận công dân về nước phòng, chống dịch; quản lý, sử dụng đất đối với một số dự án đầu tư và thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại và nguy cơ thiệt hại lớn tiền, tài sản của Nhà nước, dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 và các lãnh đạo có liên quan.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường bị đề nghị kỷ luật |
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng ông Lê Ngọc Tường - Giám đốc Sở Ngoại vụ, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Văn Văn - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Y tế.
Đặc biệt, Uỷ ban kiểm tra Trung ương kỷ luật khiển trách Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh; đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Đình Tùng.
Có ý kiến cho rằng, khi Uỷ ban kiểm tra Trung ương kỷ luật nhiều cán bộ ở cùng một địa phương, có thể dẫn đến tình trạng công việc bị trì trệ và thiếu hụt lãnh đạo trong một số trường hợp. Đặc biệt, nếu họ đảm nhận vai trò quan trọng, việc mất đi sự chỉ đạo và quản lý từ các cán bộ có kinh nghiệm và năng lực có thể dẫn đến tình trạng mất phương hướng, mất ổn định và sự chậm trễ trong việc đưa ra quyết định và thực hiện các chương trình và dự án. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Nhưng không phải như vậy.
Nhiều tập thể, cá nhân lãnh đạo tỉnh Quảng Nam bị kỷ luật và đề nghị kỷ luật; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự đã tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội) hồi tháng 6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rõ quan điểm xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là nhằm làm bài học răn đe chung, cảnh tỉnh để những người khác không vi phạm; đúng như Bác Hồ từng dạy là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả cây.
Về ý kiến cho rằng "kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai để làm việc", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết dân gian có câu "con chị nó đi, con dì nó lớn", không lo không có cán bộ làm việc. Cán bộ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn sai cả về đạo lý thì không thể không xử lý. Quan trọng là phải chọn đúng cán bộ, phải làm thật chính xác, không được vội vàng.
Hay tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 vào cuối tháng 6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã phát biểu kết luận rằng, không phải như một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước mà hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đặc biệt, là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhấn mạnh cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần “khắc cốt”, “ghi tâm” những lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”.