Thảm họa “ô nhiễm trắng”
Chia sẻ tại tọa đàm “Chống rác thải nhựa”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 14/11, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay từ lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Chống rác thải nhựa là nhiệm vụ, trách nhiệm của mọi người |
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Tính toán của chuyên gia, nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.
Cùng với đó, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Hoạt động tái chế chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ nên hiệu quả thấp. Đáng lo ngại, người dân chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.
Báo cáo mới đây tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ khiến chúng ta không khỏi giật mình khi ước tính, lượng rác thải nhựa thải xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá. Những điều này đã, đang và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của quốc gia.
Cần áp dụng cả cơ chế kinh tế
Với quan điểm nhất quán, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Nhiều Bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể cũng đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa.
Tuy nhiên, chia sẻ tại tọa đàm, diễn giả có chung nhận định, thời gian qua chúng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhưng sự chuyển động của hành động còn thấp. Minh chứng là vẫn còn tới 70% rác thải bị chôn lấp, trong đó có từ 7- 12% là nhựa và nilon.
Vì vậy, để đẩy lùi việc sử dụng túi nilon tràn lan như hiện nay, việc truyền thông cần có sự thay đổi. Thay vì chỉ tuyên truyền truyền thống về cái đúng và cái sai cần phải quan tâm và nhấn mạnh đến vấn đề chân – thiện – mỹ. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp mạnh về kinh tế như: tăng thuế đối với doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, sản xuất sản phẩm gây tác hại xấu đến môi trường; khuyến khích, ưu tiên sử dụng các túi tự hủy, túi thân thiện môi trường với những ưu thế như chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bà Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để họ tự giác tích cực thay thế các sản phẩm túi nilon cũng như nhựa sử dụng một lần bằng các nhiên liệu dễ phân hủy; thậm chí tiến tới cấm sử dụng nhựa khó phân hủy và nilon, nhựa sử dụng một lần. Khi cấm như thế, buộc xã hội phải tìm ra biện pháp mới thay thế, thân thiện môi trường hơn.
Tại buổi tọa đàm, một lần nữa Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân kêu gọi các cấp, các ngành và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải, tiêu thụ nhựa, túi nilon sử dụng một lần. Đồng thời, đề nghị các ngành cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với kinh tế, xã hội, môi trường và sức khỏe con người...