Báo cáo số liệu về thị trường mỹ phẩm Việt Nam 2019 do Q&Me thực hiện cho thấy, với mức sống được nâng cao, ngày càng nhiều phụ nữ Việt sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm. Nắm bắt được nhu cầu làm đẹp của phụ nữ, nhiều chủ kinh doanh mỹ phẩm đã nhập hàng hóa không rõ nguồn gốc để bán kiếm lời.
Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng |
Trong thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước liên tục phát hiện kho hàng mỹ phẩm nhập lậu với số lượng "khủng". Đơn cử, ngày 4/9, Đội QLTT số 4 TP. Móng Cái (Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh) đã khám kho hàng tầng 2, mặt sau số nhà 58 đường Trần Phú, phường Trần Phú, TP. Móng Cái. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện lượng lớn mỹ phẩm nhập lậu, gồm 26.438 đơn vị mỹ phẩm các loại như: 10.754 thỏi son, 3.444 tuýp kem nền, 2.260 miếng đắp mặt nạ, 1.612 hộp phấn đánh mắt (6 màu), 1.200 chiếc bút kẻ mi mắt, 1.062 lọ kem dưỡng da và các sản phẩm khác như dầu gội, phấn, sơn móng tay, kem chống nắng, sữa rửa mặt... Cùng ngày, lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn cũng tiến hành kiểm tra 1 kho hàng tại thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), phát hiện, thu giữ trên 1.600 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu đang tập kết tại kho.
Không chỉ phát hiện kho mỹ phẩm nhập lậu, ngay tại các cửa hàng mỹ phẩm trong trung tâm thương mại cũng bị lực lượng QLTT phát hiện. Cụ thể, Đội QLTT số 4 TP. Móng Cái đã phát hiện quầy hàng 3A061 thuộc Trung tâm Thương mại Móng Cái Plaza đang bày bán và tàng trữ 8.952 đơn vị mỹ phẩm nhập lậu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tại thời điểm kiểm tra, tất cả chủ kho hàng và chủ cửa hàng đều khai nhận toàn bộ số hàng mỹ phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.
Thận trọng sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phát hiện và xử lý hàng chục nghìn vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp, vi phạm diễn ra ngày một đa dạng với phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi.
Những sản phẩm không rõ nguồn gốc tuồn ra thị trường và đến tay người tiêu dùng sẽ rất nguy hiểm và ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Theo chuyên gia về da liễu, những trường hợp dùng phải mỹ phẩm giả đa phần sẽ bị dị ứng, kích ứng vì có thể trong mỹ phẩm đó chứa chất độc với cơ thể, gây tổn hại da. Chính vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, thông báo đến các cơ quan chức năng nếu phát hiện nghi vấn mỹ phẩm giả, kém chất lượng; tránh tâm lý ham rẻ rồi lại "tiền mất tật mang", vô tình tiếp tay cho các chủ cửa hàng kinh doanh kiếm lợi bất chính.
Những tháng cuối năm 2019, Tổng cục QLTT tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 11/KH-BCĐ389 ngày 8/8/2018 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm.
Tổng cục QLTT đẩy mạnh tuyên truyền, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường. |