Diễn biến phức tạp
Thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng. Theo báo cáo của Cục QLTT các tỉnh, thành phố, từ đầu năm 2019 đến nay, đã kiểm tra 1.825 vụ, trong đó xử lý 673 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 12 tỷ đồng.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLcho rằng, so với các mặt hàng khác, gian lận thương mại trong xăng dầu rất lớn, số vụ vi phạm trung bình mỗi ngày là 1,5 vụ.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm |
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng QLTT đã phát hiện và xử lý nhiều hành vi như: Lợi dụng thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu, găm hàng để thu lợi bất chính; tác động vào cấu trúc kỹ thuật của phương tiện đo làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện để làm sai kết quả đo; không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe chứa xăng; bán xăng ngoài hệ thống, xăng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc...
Đặc biệt, một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đã bị phát hiện, xử lý. Trong đó, các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, mua dung môi pha với xăng, hoà với chất tạo màu nhằm tăng khối lượng xăng RON 95, pha chế hỗn hợp thành xăng giả bán ra thị trường. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn phát hiện, xử lý nhiều vụ mua bán xăng dầu nhập lậu qua đường biển với số lượng lớn.
Gần đây, vấn đề vi phạm nhận diện thương hiệu trong kinh doanh xăng dầu cũng nổi lên rất nhiều. Ông Phạm Đức Thắng - Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt nam (Petrolimex) - cho biết, có tình trạng cửa hàng bán lẻ xăng dầu ký với đầu mối này nhưng vẫn mua của bên khác, gây khó kiểm soát chất lượng, số lượng… ảnh hưởng đến thương hiệu và quyền lợi của doanh nghiệp.
Quy định rõ trách nhiệm từng ngành
Xăng dầu luôn là mặt hàng trọng tâm trong kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng QLTT. Mặc dù, lực lượng QLTT đã nỗ lực để giảm gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu, tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý vẫn còn nhiều khó khăn vì đây là mặt hàng có nhiều ngành cùng tham gia quản lý. Đơn cử như lấy mẫu xét nghiệm đi kiểm định thuộc nhiệm vụ chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ, khiến việc kiểm nghiệm mất khá nhiều thời gian. “Do đó, cần nghiên cứu xây dựng các quy chế phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của từng ngành để tránh việc kiểm tra, xử lý chồng chéo và đổ lỗi trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận” - ông Trần Hữu Linh đề xuất.
Thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu trên thị trường nội địa. Theo đó, ký cam kết không kinh doanh xăng dầu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng và gian lận đo lường để người kinh doanh, doanh nghiệp chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.
Để có thông tin kịp thời về tình hình kinh doanh xăng dầu trong nước, nâng cao hiệu quả quản lý, lành mạnh hóa thị trường xăng dầu; đồng thời, hỗ trợ Petrolimex bảo vệ thương hiệu, mới đây, Tổng cục QLTT và Petrolimex đã ký kết quy chế phối hợp. |