Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu xoài Việt Nam do mạo danh mã số vùng trồng Xuất khẩu rau, quả sang Trung Quốc: Phải thay đổi từ tư duy Cấp mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu sang Hoa Kỳ |
Gắn mã vùng trồng với truy xuất nguồn gốc điện tử
Hợp tác xã (HTX) cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng (xã Tân Hưng, TP. Hưng Yên) với diện 30,2 ha nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP và được cấp mã vùng xuất khẩu đi Mỹ và Australia. Trước thông tin có nơi đã bị mạo danh mã vùng trồng để trà trộn xuất khẩu, ông Trần Văn Mý - Chủ tịch HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng - cho hay, dù chưa nắm được vấn đề này nhưng việc “mượn” mã số vùng trồng của HTX Quyết Thắng để xuất khẩu là không dễ. Bởi lẽ, cùng với việc được cấp mã vùng trồng, HTX được Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và Chi cục BVTV tỉnh Hưng Yên cấp cho tem truy xuất nguồn gốc điện tử. Hiện HTX đang quản lý tem này.
Theo đó, với 1 lô hàng xuất khẩu, sau khi được thu hái, sẽ được HTX dán tem truy xuất nguồn gốc điện tử lên bao bì (tem trắng), cùng thời điểm này, HTX sẽ liên hệ với Chi cục BVTV tỉnh Hưng Yên để kích hoạt.
Cùng với việc được cấp mã vùng trồng, HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng được cấp kèm tem truy xuất nguồn gốc điện tử |
Trên tem truy xuất nguồn gốc đã được kích hoạt thể hiện đầy đủ thông tin nhà vườn, số lượng thu hái, giờ hái, trái cây thuộc nhà vườn nào, lượng xuất khẩu, quy cách đóng gói, mẫu mã, dòng nhãn gì. Người mua có thể kiểm tra vào vùng kích hoạt để biết được hết các thông tin nêu trên, nếu sai sót thì họ có thể gọi điện thoại trực tiếp tới HTX. Như vậy, nếu kiểm soát tốt tem truy xuất nguồn gốc này thì các đối tượng muốn trà trộn cũng không được. “Dù vậy, tới đây HTX Quyết Thắng sẽ phối hợp với Cục BVTV và Chi cục BVTV tỉnh để có thể quản lý tốt các đơn hàng và các mã vùng của mình, đảm bảo đúng mã vùng và lô hàng của mình xuất đi, bảo vệ uy tín các vùng trồng của HTX”, ông Mý nói.
Đã được cấp 3 mã vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích 31,5 ha được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, EU, ông Nguyễn Văn Thế - Chủ tịch HĐQT HTX nhãn Miền Thiết - chia sẻ, HTX đã được Cục BVTV và Chi cục BVTV tỉnh Hưng Yên cấp tem truy xuất nguồn gốc điện tử. Khi HTX thu hái đến đâu thì mới kích hoạt mã vùng trồng ở vùng đó. “Chúng tôi khẳng định an toàn tuyệt đối lên đến 99,9%, người khác không thể nhái được mã vùng trồng”, ông Thế nói.
Theo ông Lê Minh Nam - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Hưng Yên - từ năm 2018, tỉnh Hưng Yên đã triển khai cấp 10 mã vùng trồng theo tiêu chuẩn đi Australia, Mỹ. Năm 2020, chúng tôi đã triển khai và cấp thêm được 5 mã và đồng bộ lại 10 mã cũ theo tiêu chuẩn xuất khẩu nói chung và ứng dụng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc điện tử về cấp mã số và quản lý mã số vùng trồng.
Việc truy xuất nguồn gốc điện tử kết hợp cùng với cấp quản lý mã số vùng trồng, giúp kết nối các thông tin của sản xuất về mặt kỹ thuật từ khâu chăm sóc các công đoạn như sử dụng phân bón, thuốc BVTV, thời gian cách ly, các tiêu chuẩn một cách rất minh bạch. “Tem truy xuất nguồn gốc thể hiện đầy đủ các thông tin như tọa độ vùng trồng, diện tích, sản lượng thu hoạch, số hộ tham gia… thể hiện tính minh bạch rất cao. Bên cạnh đó, hệ thống tem này được kích hoạt vào thời điểm các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân thu hoạch. Do đó, khả năng gian lận thương mại, lấy tem của vùng này dán cho vùng khác là không dễ”, ông Nam nói.
Tuy nhiên, việc kết hợp giữa cấp mã vùng trồng với cấp tem truy xuất nguồn gốc điện tử mới chỉ được triển khai thí điểm tại một số địa phương và với một số thị trường khó tính như Mỹ, EU.... Trong khi đó, đối với thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm của Việt Nam là Trung Quốc, số lượng mã vùng trồng được cấp là rất lớn, việc thực hiện dán tem truy xuất chưa nhiều.
Một vấn đề nữa được các nhà vườn và doanh nghiệp thu mua cho biết, việc cấp mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói để xuất hàng sang Trung Quốc khá đơn giản. Nhà vườn chỉ kê khai tên chủ hộ, diện tích, địa chỉ, sản lượng, danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật thường dùng... Phía Trung Quốc sẽ cấp mã số vùng trồng mà không cần đến tận nơi để kiểm tra. Với nhà đóng gói, ngoài việc phải là doanh nghiệp, những thủ tục khác khá đơn giản. Trong khi đó, nếu mã số đóng gói xuất sang EU, họ có người trực tiếp xuống kiểm tra, yêu cầu khắc phục nếu chưa đạt. Thêm nữa, những mã số xuất khẩu ở các thị trường lớn khác đều được bảo mật, chỉ doanh nghiệp, vùng trồng được cấp biết. Trong khi mã số xuất sang Trung Quốc được công khai, ai muốn tìm là có ngay.
Cần sự bắt tay 4 nhà
Thừa nhận, câu chuyện quản lý mã vùng hiện còn thiếu sự liên kết toàn chuỗi, việc này tạo kẽ hở để bị lợi dụng, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng, với một thị trường lớn như Trung Quốc, số lượng mã số vùng trồng được cấp rất nhiều, việc liên kết theo chuỗi từ cơ sở sản xuất, đến cơ sở đóng gói, đến các đối tác nhập khẩu… cần phải được triển khai. Khi đó, hàng hóa sẽ được truy xuất và các cơ quan chức năng biên giới có thể tham gia vào quá trình kiểm soát chuỗi hiệu quả. Còn với cách thức quản lý như hiện nay, cơ quan kiểm dịch biên giới chỉ đóng vai trò ghi thông tin trên bao bì, chứ chưa thực hiện được chức năng kiểm soát.
Gian lận mã số vùng trồng ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của xoài nói riêng, rau quả Việt Nam nói chung, nhất là khi Trung Quốc cũng như các nước khác đang ngày càng siết chặt hơn về tiêu chuẩn đối với rau quả, nông sản nhập khẩu |
Trước tình trạng xoài Đồng Tháp bị “mượn” việc mã số vùng trồng để xuất khẩu đi Trung Quốc, phía Cục BVTV cho biết, cũng đã tính đến các giải pháp về công nghệ thông tin, dán tem truy xuất nguồn gốc để thực hiện việc quản lý mã vùng trồng. “Chúng tôi cũng đã có những đối tác về công nghệ thông tin để thực hiện một số giải pháp ở một số địa phương. Tuy nhiên, chương trình này cần có thời gian đánh giá trước khi nhân rộng ra các địa phương”, ông Hiếu nói.
Do đây là tình huống mới xảy ra, vì vậy, trong thời gian tới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải có 1 văn bản nhằm rà soát thực trạng sử dụng và quản lý mã số vùng trồng để tiến tới có các giải pháp phù hợp để quản lý mã số vùng trồng đã được cấp.
Bà Ngô Thị Thu Hồng – Tổng giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam - cho rằng, việc này cần có sự liên kết đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân để bảo vệ mã vùng trồng đã được cấp, đồng thời không để cho các doanh nghiệp “mượn” hoặc giả mạo mã vùng trồng. Có như vậy, mới giữ được uy tín trái cây nông sản đi xuất khẩu và gia tăng được sản lượng xuất khẩu và giữ được thị phần tại các quốc gia mà chúng ta đã mở cửa được. Bên cạnh đó, việc cần tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân tại các HTX là những người trực tiếp giám sát tại các vùng trồng để bà con hiểu hơn và cùng phối hợp với các doanh nghiệp để có các biện pháp mạnh mẽ hơn để chống lại doanh nghiệp mạo danh.
Việc mở được thị trường đã khó, thì việc duy trì, giữ vững và phát triển được ở những thị trường đó lại càng khó hơn nhiều. Để giữ được thị trường, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các đơn vị được cấp mã số vùng trồng cần có ý thức để bảo vệ mã số của mình như một tài sản. Vai trò của chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan trọng trong việc quản lý mã vùng trồng.