Thực tế cho thấy, hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên TMĐT tiềm ẩn nhiều rủi ro và diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong quý III/2020, nhiều vụ vi phạm lớn đã bị phát hiện, xử lý; nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường TMĐT bị triệt phá. Cụ thể, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 63.100 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 4.400 tỷ đồng, khởi tố 369 vụ việc. Đáng chú ý, đã thực hiện truy thu gần 14 tỷ đồng thuế từ thu nhập qua nền tảng Facebook, Google, Youtube…
Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - đánh giá, với sự phát triển mạnh mẽ của internet, hoạt động kinh doanh TMĐT ngày càng nở rộ. Hiện nay, phương thức, thủ đoạn mới mà các đối tượng đang sử dụng là thông qua kho hàng của bưu chính để tàng trữ và kinh doanh hàng giả nhãn mác, giả xuất xứ, hàng kém chất lượng, lừa bán cho người tiêu dùng, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và sức khỏe của người dân. Điển hình là vụ tập kết hàng lậu, hàng giả quy mô tại Cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong để chuẩn bị chuyển phát (Cảng ICD Mỹ Đình) mới đây.
Nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa xây dựng kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT.
Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua hàng trên mạng xã hội |
Theo kế hoạch, thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của các đối tượng tham gia hoạt động TMĐT; phân loại và nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp. Các đơn vị tránh chồng chéo; không bao che, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm và không gây tác động xấu đến thị trường, không gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.
Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở để hoàn thiện cơ chế, chính sách thích ứng với tập quán quốc tế về TMĐT. Trên cơ sở đó, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến TMĐT góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Đáng chú ý, ngay sau chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, một loạt các địa phương đã nhanh chóng nhập cuộc. Điển hình, tại Hà Nội, từ ngày 1/11/2020 - 31/10/2023, Ban Chỉ đạo 389/TP. Hà Nội sẽ triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT. Các cơ quan chức năng Hà Nội sẽ tập trung tăng cường kiểm tra và nhận diện hành vi, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong hoạt động TMĐT để kịp thời ngăn chặn.
Theo Tổng cục Thuế, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về thu thuế kinh doanh TMĐT. Riêng tại Hà Nội, có khoảng hơn 18.300 cá nhân, tổ chức cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube với khoảng 1.460 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã trực tiếp hướng dẫn kê khai nộp thuế, số tiền truy thu thuế 13,9 tỷ đồng. |