Quyết liệt kiểm tra, kiểm soát thị trường
Trong tháng 3, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu về vật tư y tế phục vụ công tác phòng dịch của người dân vẫn tăng cao; chủ yếu đối với mặt hàng khẩu trang, cồn y tế. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng đã sản xuất mặt hàng khẩu trang, cồn y tế, nước rửa tay khô không đảm bảo chất lượng nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, định giá bán hàng hóa bất hợp lý |
Trước tình hình đó, triển khai các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Thành ủy, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành thành viên và BCĐ 389 quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, định giá bán hàng hóa bất hợp lý, mua gom hàng hóa, đầu cơ để kiếm lời bất hợp pháp.
Riêng Cục QLTT Hà Nội, tính đến ngày 22/3/2020 đã kiểm tra 260 vụ, xử lý 221 vụ liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, với số tiền phạt là 670.691.000 đồng. Đồng thời, tạm giữ 977.364 chiếc khẩu trang, trong đó đã bàn giao bàn giao tổng cộng 176.156 chiếc khẩu trang cho Sở Y tế Hà Nội theo quy định. Các Đội QLTT thay đổi biện pháp ngăn chặn trả lại 499.950 chiếc khẩu trang đã xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cục QLTT Hà Nội đã bàn giao bàn giao 176.156 chiếc khẩu trang cho Sở Y tế Hà Nội |
Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng còn quan tâm, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; cam kết không buôn lậu, không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm an toàn thực phẩm.
Đối với lực lượng công an, Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh, nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, đối tượng nhằm triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Đặc biệt, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường và các phòng nghiệp vụ có liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép nhằm góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, lực lượng hải quan thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; kiểm soát buôn lậu, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã, sản phẩm từ động vật hoang dã; mặt hàng gỗ quý hiếm; mặt hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất; các mặt hàng thịt đông lạnh, thuốc lá, dược liệu…
Cũng trong tháng 3, nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân tăng cao, Sở Công Thương thành phố đã theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường hàng hóa (nhất là các mặt hàng thiết yếu) để chủ động xây dựng các phương án hoặc kịp thời đề xuất các giải pháp có biện pháp vận chuyển, tổ chức điều chuyển hàng hóa tại những khu vực thị trường xảy ra biến động nhằm ổn định thị trường, giá cả.
Với sự chỉ đạo sát sao và sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các lực lượng chức năng, trong tháng 3, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 1.215 vụ; xử lý: 867 vụ. Khởi tố 04 vụ đối với 08 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu 104 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 61 vụ và gian lận thương mại 702 vụ.
Tiếp tục lập danh sách cơ sở có biểu hiện nghi vấn
Ông Chu Xuân Kiên – Phó Trưởng ban thường trực, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội – cho biết, trong tháng 4, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố năm 2020, còn đẩy mạnh có hiệu quả các đoàn kiểm tra liên ngành của BCĐ 389/TP đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp; xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn thành phố.
“Đặc biệt, tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có giải pháp xử lý kịp thời“- ông Chu Xuân Kiên nhấn mạnh.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 389 thành phố tiếp tục tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo, đài thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đưa tin và phát sóng trên các trang phương tiện thông tin đại chúng về kết quả đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và an toàn thực phẩm của các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội; công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm để người dân biết.