Thị trường chứng khoán trải qua giai đoạn khó khăn trước sóng gió đến từ những thông tin bắt bớ/điều tra về hoạt động thao túng thị trường cổ phiếu/bất động sản.
Cụ thể, thị trường đã trải qua đợt điều chỉnh mạnh trong tháng 4, dẫn đến hiện tượng bán giải chấp ở các cổ phiếu đầu cơ và lan sang các cổ phiếu cơ bản. Trong tuần cuối cùng của tháng 4, thị trường hồi phục khi nhiều công ty công bố kết quả kinh doanh quý I/2022 tích cực. Cuối cùng, VN Index giảm 8.4% đóng cửa ở mức 1,366.8. Tuy nhiên, thị trường sẽ dần lấy lại cân bằng khi nhìn nhận triển vọng tốt hơn của thị trường về tính minh bạch và ít rủi ro hơn trong trung và dài hạn.
Chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng chỉ số VN Index sẽ dao động trong khoảng 1.320 - 1.420 trong tháng 5/2022, trong đó nhóm ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp tương đối thấp như Vietcombank - VCB sẽ hỗ trợ thị trường. Ngoài ra, Vingroup- VIC cũng là cổ phiếu đáng chú ý để nâng đỡ thị trường bởi sự phục hồi trở lại của một số mảng kinh doanh như trung tâm thương mại, khách sạn trong giai đoạn hậu Covid-19 cùng với việc chờ đợi động lực từ đợt IPO của Vinfast.
Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm & đồ uống (Masan - MSN) được kỳ vọng sẽ là một trợ lực cho thị trường khi mức định giá hiện đang thấp hơn trung bình 5 năm là và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (LNST) 2022 cao hơn so với VN Index.
Cũng theo phân tích của VDSC, nếu như giai đoạn 2020-2021 thị trường tăng trên diện rộng nhờ dòng tiền “dễ dãi”, thì trong giai đoạn sắp tới dòng tiền sẽ sự phân hóa rất mạnh giữa các nhóm ngành và cổ phiếu trong bối cảnh tâm lý e ngại rủi ro và chi phí vốn đầu tư tăng. Theo đó, đà tăng giá chỉ thực sự bền vững ở những cổ phiếu mà doanh nghiệp có nền tảng tài chính mạnh, chiến lược kinh doanh rõ ràng và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Mặt khác, những cổ phiếu có diễn biến giá mạnh hơn trong khi thị trường chung sụt giảm mạnh trong tháng tư đều được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận, trong đó, nhóm cổ phiếu ngành thủy sản, kho vận, công nghệ, bán lẻ là một số điển hình.
Từ đó, VDSC tin rằng chọn lọc cổ phiếu trong giai đoạn này vẫn quan trọng hơn là dự báo xu thế thị trường. “Thời điểm này nhà đầu tư nên tập trung vào những nhóm ngành có kết quả kinh doanh (KQKD) quý II kỳ vọng tích cực như thủy sản, nhiệt điện khí, công nghệ, và ngân hàng”- báo cáo cho biết.
“Chúng tôi tin rằng việc kiểm soát chặt chẽ và chống lại các hoạt động lừa đảo/thao túng thị trường sẽ tăng tính minh bạch và giảm rủi ro trên thị trường vốn, bất động sản tại Việt Nam, mang lại môi trường tốt hơn cho các nhà đầu tư trong trung và dài hạn”- VDSC tin tưởng.
Song song với đó, chiến lược đầu tư “ngược xu thế” dành cho những nhà đầu tư giá trị với khả năng chịu đựng rủi ro cao và khung thời gian đầu tư dài vẫn có thể áp dụng được đối với những cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản (BĐS) khi mặt bằng định giá của nhóm này hiện tại đã được chiết khấu khá nhiều. Các doanh nghiệp BĐS có nhiều dự án sẵn sàng để mở bán (Nam Long - NLG, Khang Điền - KDH, Hà Đô - HDG) có thể là những sựa lựa chọn cho mục tiêu nắm giữ dài hạn không tồi trong giai đoạn hiện tại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp có bảng cân đối lành mạnh, dòng tiền ổn định nhờ các hợp đồng thuê được đảm bảo, và có tỷ suất lợi tức hấp dẫn như CTCP Cao su Phước Hòa - PHR, CTCP Long Hậu - LHG cũng có thể được cân nhắc.
Về dòng tiền, VDSC thận trọng với dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Mặc dù dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước là động lực chính thúc đẩy thị trường trong xu hướng tăng trong giai đoạn 2020 - 20201. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân đã bị hoảng loạn trong đợt điều chỉnh mạnh gần đây nhất của thị trường, thể hiện qua việc bán ròng 4.683 tỷ đồng trong tháng 4. Do đó, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư cá nhân sẽ khó có thể quay trở lại thị trường với việc mua vào mạnh mẽ khi mùa kết quả kinh doanh dần kết thúc và ít tin tức hỗ trợ hơn trong tháng 5.