Nhu cầu về vốn vay trung, dài hạn còn rất lớn |
Cho vay trung hạn chiếm 53%
Tín dụng tính đến cuối tháng 4/2017 đã tăng 5,76% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây. Tuy nhiên, trong khi tín dụng tăng cao thì huy động vốn 4 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ. Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến cuối tháng 4/2017, huy động vốn tăng 3,7% (cùng kỳ 2016 là 4,6%). Điều này dẫn đến tỷ lệ tín dụng/huy động tăng nhẹ từ 86,3% lên 87% (tháng 3/2017).
Bên cạnh việc tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, NHNN tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách thức cấp tín dụng theo hướng chọn lọc ưu tiên, phân loại doanh nghiệp. |
Thực tế trên cộng với những tồn tại lâu nay của hoạt động cho vay là vốn huy động ngắn hạn thường phải dành một phần khá lớn để cho vay trung, dài hạn đã tạo nên sức ép đối với các ngân hàng thương mại. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, hiện nay, tỷ trọng dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm khoảng 53% tổng dư nợ tín dụng, trong khi nguồn vốn huy động trung, dài hạn toàn hệ thống TCTD chỉ chiếm khoảng 15%. Tuy nhiên, để tạo nguồn vốn đầu tư, NHNN vẫn đang cho phép các TCTD sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN), trong khi lẽ ra vốn đầu tư trung, dài hạn của DN phải được huy động từ thị trường vốn, chứng khoán, nhưng do các thị trường này chưa phát triển, vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn chủ yếu thực hiện qua hệ thống ngân hàng. Do đó, thời gian tới, NHNN sẽ đánh giá diễn biến chính sách tiền tệ để xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn phù hợp hơn với thực tế, nhằm giảm bớt áp lực cho các ngân hàng thương mại.
Phấn đấu hạ lãi suất
Thông tin tới cộng đồng DN tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, ngành ngân hàng sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 9/2016, một số TCTD đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Như vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh, chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011. Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội lớn; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững; kỳ vọng lạm phát còn cao và dễ biến động... Các yếu tố này đã ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay của TCTD.
"Tuy nhiên, so sánh số liệu với một số nước trong khu vực như Myanmar lãi suất cho vay ở mức 13%/năm; Indonesia 11,9%/năm; Thái Lan 6,3%/năm; Singapore 5,4%/năm; mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm, lãi suất cho vay ngoại tệ trong khoảng 3-4%, vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay”- Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.