Theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Thông tư 06), từ ngày 1/9/2023, các khách hàng đang có khoản vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống như: Vay mua nhà ở, đất ở, xây mới/cải tạo/sửa chữa nhà để ở; phương tiện đi lại (ô tô, xe máy)… tại một ngân hàng đã có thể vay vốn tại ngân hàng khác để trả nợ trước hạn khoản vay cũ.
Tuy nhiên, từ thời điểm Thông tư 06 điều chỉnh chính thức có hiệu lực đến hết năm 2023, các khách hàng cho biết khó tiếp cận với việc vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác do nhiều trở ngại liên quan đến thủ tục. Bởi khi đó, phần đông các nhà băng yêu cầu khách hàng phải tự tất toán khoản vay cũ, chuyển tài sản đảm bảo sang thế chấp và thực hiện lại các khâu thẩm định, vay vốn tại ngân hàng mới.
Đến nửa năm trở lại đây, nhiều ngân hàng đã liên tục tung ra các gói vay trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với mức lãi suất hấp dẫn cùng với cam kết tự tất toán cho khách hàng khoản vay cũ.
Nhiều ngân hàng đã liên tục tung ra các gói vay trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với mức lãi suất hấp dẫn Ảnh: NHVN |
Gần đây nhất, giữa tháng 7/2024, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã tung ra gói lãi suất cho vay dành cho khách hàng trả tiền ngân hàng khác. Ngân hàng này cho biết sẽ tự tất toán khoản vay cũ cho khách hàng. Người vay sẽ được hưởng 5,5%, 6,5% và 7,5%/năm cố định trong thời gian tương ứng là 6, 12 hoặc 24 tháng. Sau thời gian ưu đãi, biên độ lãi suất áp dụng là 2,9%. Đáng chú ý, khách hàng khi sử dụng gói vay này sẽ không phải trả gốc trong thời gian 2 năm đầu tiên. Các khoản vay được áp dụng chủ yếu là mua nhà, như: vay mua nhà phố, vay mua căn hộ và vay mua sửa chữa nhà,…
Trước đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng tung ra gói lãi suất cho vay trung và dài hạn dành cho khách hàng cá nhân từ 7,0%/năm. Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác. Ngân hàng này cho biết, khách hàng sử dụng gói vay sẽ được ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đang áp dụng gói tín dụng vay dành cho khách hàng có nhu cầu thanh toán trước hạn khoản vay nhà ở từ ngân hàng khác. Đối với khách hàng ở Hà Nội và TP. Hồ Chi Minh, mức lãi suất vay tối thiểu cố định là 5%/năm trong 6 tháng đầu tiên hoặc 5,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên. Đối với khách hàng ở các địa phương khác, mức lãi suất vay tối thiểu cố định là 6%/năm trong 24 tháng hoặc 7%/năm trong 36 tháng đầu.
Phía Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng triển khai gói vay trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất 4,6%/năm áp dụng trong vòng 3 tháng và từ 6,8%/năm cố định trong 12 tháng. Khách hàng được vay vốn tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay, và không cần trả gốc trong vòng 24 giờ. Thời gian vay lên đến 35 năm và không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay cũ.
Tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), khách hàng vay trả nợ trước hạn ngân hàng khác sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu.
Còn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) hiện áp dụng mức lãi suất 6%/năm trong vòng 24 tháng đầu tiên. Kể từ năm thứ 3, lãi suất sẽ thả nổi được tính bằng lãi suất gửi tiết kiệm 12 tháng trả lãi cuối kỳ cộng với biên độ 3%/năm.
Ngân hàng nới điều kiện cho vay mua nhà, đẩy mạnh cho vay trả nợ trước hạn ở ngân hàng khác với lãi suất rẻ nhằm kích thích tín dụng |
Liên quan chính sách cho vay trả nợ trước hạn ngân hàng khác, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết chính sách này được triển khai nhằm tăng sự minh bạch theo cơ chế thị trường. Người dân có thể lựa chọn ngân hàng nào có chính sách, lãi suất và chất lượng dịch vụ tốt để vay vốn. Người có nhu cầu vay vốn cũng được quyền tự đánh giá, tự tìm hiểu và so sánh lãi suất cạnh tranh giữa các ngân hàng.
“Đây là chính sách thuận lợi cho người vay. Bản thân từng ngân hàng cũng phải cải thiện để giữ chân khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, vay vốn tín dụng của ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác đối với các doanh nghiệp và cá nhân sản xuất - kinh doanh đã được áp dụng từ lâu, song vay để trả nợ trong lĩnh vực phục vụ đời sống (tiêu dùng, mua bất động sản, ô tô…) khá mới mẻ. Đây là một bước đi mới của cơ chế, chính sách, giúp cả ngân hàng thương mại lẫn khách hàng đều rộng đường lựa chọn.
Theo TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, việc mở rộng đối tượng được vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác vừa tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm vốn tín dụng vừa giảm phần nào áp lực về khoản vốn đang vay. Thực tế, người dân vay tiền ngân hàng để mua nhà đất, xe cộ… trước đây từ 1-2 năm thường phải chịu lãi suất cao, do độ trễ chính sách và một số yếu tố khác.
“Đây không hẳn là chuyện tranh giành khách. Việc này trở nên tích cực hơn khi mỗi ngân hàng sẽ phải chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm lãi suất để giữ chân khách hàng cũ, đồng thời có chính sách cạnh tranh để thu hút người vay mới. Ngân hàng nào yếu thế hơn, khách sẽ chuyển sang ngân hàng khác, hướng tới đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Các ngân hàng cũng chịu áp lực phải cải thiện dịch vụ, tiết giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay…” - TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, cho rằng, ngân hàng nới điều kiện cho vay mua nhà, đẩy mạnh cho vay trả nợ trước hạn ở ngân hàng khác với lãi suất rẻ nhằm kích thích tín dụng.
Theo kỳ vọng của giới phân tích, xu hướng này sẽ có tác động mạnh tới mặt bằng lãi suất cho vay, sự cạnh tranh và thị phần giữa các nhóm ngân hàng. Quy định này triển khai sẽ khiến các ngân hàng phải “nhìn nhau” để đưa ra các chính sách cạnh tranh hơn, nhằm tạo ra mặt bằng lãi suất vay thấp hơn để giữ chân người vay cũng như thu hút khách hàng mới.
“Trong cuộc chơi cho vay để trả nợ trước hạn ngân hàng khác, những ngân hàng có quy mô lớn và thương hiệu tốt, chi phí vốn đầu vào thấp và quy trình thẩm định, giải ngân hiệu quả, sẽ có lợi thế lớn hơn rất nhiều” - vị chuyên gia khẳng định.