Chán như đi chợ đêm
Cuối tuần, có chị bạn từ Hà Nội về Vinh chơi. Đưa chị ra chợ đêm Cao Thắng - khu chợ mới được xem là điểm nhấn du lịch của TP. Vinh về đêm. Sau khoảng 15 phút dạo chợ ; chúng tôi vô cùng thất vọng bởi tìm đỏ mắt cũng không ra cái gọi là “đặc sản” của địa phương... mà chỉ toàn quần áo, giày dép và đồ thực phẩm mua đâu cũng có.
Một góc chợ đêm Cao Thắng |
Tuyến phố đêm Cao Thắng (phường Hồng Sơn), cùng các tuyến phố đi bộ gần khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh (thuộc phường Trường Thi) được UBND TP. Vinh chi hơn 55 tỷ đồng để xây dựng. Riêng phố đêm Cao Thắng đã được UBND thành phố chi ra 7 tỷ 439 triệu đồng, đến đầu tháng 10 vừa qua chính thức khai trương. Tuy nhiên, sau những ngày đầu tấp nập, tuyến phố này đang dần rơi vào cảnh đìu hiu.
Chị Nguyễn Thị Lan - hộ kinh doanh giày dép tại chợ đêm - ngán ngẩm: Những ngày đầu do tâm lý hiếu kỳ nên lượng khách đổ về khu vực này khá đông, nhưng mấy tuần gần đây, khách thưa rồi vắng hẳn. Ban đêm, các hộ kinh doanh dọn hàng ra chỉ ngồi “ngắm” nhau, chứ khách đi dạo là chính. Nhiều người nản quá nên chẳng buồn dọn hàng nữa.
Ngoài thưa thớt khách, tại đây còn diễn ra tình trạng nhiều hộ gia đình đăng ký gian hàng nhưng không trực tiếp kinh doanh mà cho người khác thuê lại lấy lời. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người thực sự cần có gian hàng để kinh doanh thì không có, người có thì để trục lợi. Bởi theo quy định của UBND thành phố, các hộ kinh doanh chợ đêm Cao Thắng được miễn phí 3 tháng đầu.
Cần có sản phẩm đặc trưng
Ông Tô Thanh Nhân – Trưởng Ban quản lý Chợ Vinh - cũng thừa nhận, có tình trạng nhiều hộ đăng ký nhưng không hoạt động mà cho người khác thuê lại. Sau khi kết thúc đợt đăng ký, nhiều người vẫn có nhu cầu, nhưng tất cả 114 gian hàng đã có người đăng ký hết.
Lãnh đạo Sở Du lịch Nghệ An cũng cho biết, đã nhận nhiều phản ánh trái chiều về hoạt động của chợ đêm. Các mặt hàng bày bán quá đơn điệu, chưa có sản phẩm độc đáo, đặc trưng của vùng đất Nghệ An. Và điều quan trọng nhất là các hộ kinh doanh chưa có khái niệm làm du lịch nên khó thu hút được người dân đến tham quan, mua sắm.
Trước thực trạng này, Trưởng Phòng kinh tế UBND TP. Vinh - ông Trần Quang Lâm – nhấn mạnh: Cơ quan quản lý và đơn vị ký kết cần chấn chỉnh lại theo đúng những gì đã cam kết. Khi bố trí lô hàng, cần tập trung vào những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Sắp tới, thành phố sẽ chấn chỉnh lại các quầy đăng ký bán không đúng ngành hàng. Thành phố cũng đặc biệt chú ý đến vấn đề an toàn điện; đồng thời nghiên cứu tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật đường phố…
Theo Sở Công Thương Nghệ An, ngoài tham quan du lịch thì nhu cầu mua sắm cũng rất cao. Vì vậy, cơ quan quản lý cần siết chặt đơn vị ký kết các mặt hàng bày bán ở chợ, trong đó nên kiểm tra về giá, hàng giả, hàng gian để bảo đảm chất lượng phục vụ cũng như uy tín địa phương.
Tuyến phố chợ đêm Cao Thắng bao gồm hơn 114 gian hàng, phục vụ kinh doanh các ngành hàng như quà lưu niệm, sản phẩm văn hóa nghệ thuật, văn phòng phẩm, thời trang, đặc sản vùng miền…; hoạt động từ 18h30 - 23h30 hàng ngày. |