Vào tối 29/5 theo giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với Thủ tướng của các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu gồm Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medevedev, Thủ tướng Cộng hòa Belarus Andrei Kobyakov, Thủ tướng Cộng hòa Kazakhstan Karim Maximov, Thủ tướng Cộng hòa Armenia Hovik Abrahamyan; Thủ tướng Cộng hòa Kyrgyzstan Temir Sariyev và Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Kinh tế Á - Âu Viktor Khristenko đã cùng ký Hiệp định lịch sử này nhân cuộc họp của Hội đồng liên Chính phủ của Liên minh Kinh tế Á - Âu ở cấp Thủ tướng tại tỉnh Burabai, Kazakhstan.
Thủ tướng nước chủ nhà Kazakhstan - Karim Maximov cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham gia Lễ ký kết Hiệp định, góp phần làm nên thành công của cuộc họp Hội đồng liên Chính phủ Liên minh Kinh tế Á - Âu, coi đây là một sự kiện quan trọng của quá trình hoạt động và đa dạng hoá các kênh hợp tác của Liên minh.
Phát biểu sau Lễ ký, Chủ tịch Ban thường trực Uỷ ban Kinh tế Á - Âu Viktor Khristenko cho biết: Hiệp định này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường tiêu thụ của 5 quốc gia với 180 triệu dân, quy mô GDP trên 2.500 tỷ USD, được hưởng nhiều điều kiện ưu đãi, thuận lợi hóa về hải quan, giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam. “Hiệp định này là một sự kiện lịch sử đối với Liên minh bởi Việt Nam là một trong những đối tác đầu tiên ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh. Việt Nam cũng là đối tác chiến lược của Liên minh tại Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ qua. Hơn 2 năm qua, quá trình đàm phán chúng ta đã đạt được kết quả mang tính cân bằng và có tính đến tất cả những lợi ích chung. Đó là sự khởi đầu mới trong việc phát triển quan hệ hợp tác giữa các nước chúng ta. Việc thiết lập cơ chế tự do thương mại giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam đã mở ra cơ hội mới cho tất cả các nước thành viên” - ông Viktor Khristenko phát biểu.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Việt Nam và các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu vốn có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp, Việt Nam luôn biết ơn sự giúp đỡ quý báu mà Chính phủ và nhân dân các nước thành viên Liên minh đã dành cho mình trong công cuộc kháng chiến giành độc lập trước đây và xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, được khởi động đàm phán tháng 3/2013, sau hai năm nỗ lực đàm phán, việc ký kết EEUV-FTA là một sự kiện quan trọng. “Việc ký Hiệp định hôm nay đưa Việt Nam vinh dự trở thành đối tác quốc tế đầu tiên ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh. Hiệp định này cũng thể hiện tầm nhìn chiến lược của Liên minh về phát triển hợp tác với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năng động, một động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Với cơ cấu kinh tế, hàng hóa bổ sung cho nhau giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh, Hiệp định Thương mại tự do sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, tăng cường trao đổi thương mại, dịch vụ, đầu tư song phương và mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Là một thành viên năng động của ASEAN, Việt Nam sẽ nỗ lực để Liên minh kinh tế Á - Âu mở rộng quan hệ với Cộng đồng ASEAN - một thị trường phát triển năng động có trên 600 triệu dân với GDP đạt khoảng 2.500 tỷ USD; đồng thời cho biết Việt Nam cũng đang đẩy nhanh kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác lớn, như vậy, khi đầu tư, kinh doanh với Việt Nam, doanh nghiệp của các nước thành viên Liên minh sẽ có cơ hội thuận lợi trong tiếp cận thị trường của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng rằng sau khi ký chính thức Hiệp định, Việt Nam và các nước thành viên Liên minh sẽ nhanh chóng hoàn tất các thủ tục phê duyệt nội bộ để Hiệp định sớm có hiệu lực và triển khai thành công, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân của hai bên.
Được chính thức khởi động tại Hà Nội vào ngày 28/3/2013, sau khoảng 2 năm đàm phán và hoàn tất các thủ tục phê duyệt nội bộ, các Bên đã ký kết Hiệp định FTA với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng Bên. Hiệp định bao gồm các Chương chính về Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Phòng vệ thương mại, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Công nghệ điện tử trong thương mại, Cạnh tranh, Pháp lý và thể chế. |