Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 |
Lãnh đạo cấp cao 10 nước thành viên ASEAN, Tổng thư ký ASEAN, đại diện đoàn ngoại giao các nước, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội và đại diện các bộ, ban, ngành của Việt Nam dự sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Theo thông lệ, Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra hai lần mỗi năm. Hội nghị Cấp cao đầu tiên của năm nay (Hội nghị 36 diễn ra hồi tháng 6) là hội nghị nội bộ của các lãnh đạo ASEAN để rà soát công tác xây dựng cộng đồng ASEAN từ hội nghị trước.
Tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của ASEAN
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, năm 2020 đang dần khép lại với những biến chuyển sâu rộng, phức tạp của tình hình thế giới. Trên nền bức tranh nhiều gam màu của thế giới, những điểm sáng về hợp tác trong việc đối phó với các thách thức đang được ghi nhận ở châu Á - Thái Bình Dương, với vai trò tiên phong, nòng cốt của ASEAN.
Trong năm 2020, các nước ASEAN đều đã thể hiện bản lĩnh và quyết tâm, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Từ cam kết chính trị ở cấp cao nhất đến các biện pháp triển khai đồng bộ, nhịp nhàng của cả bộ máy cũng như giữa các quốc gia thành viên, chúng ta đã chứng kiến tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng của ASEAN được thể hiện mạnh mẽ trong phòng ngừa, kiểm soát Covid-19 cũng như khắc phục hậu quả dịch bệnh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Niềm tin của người dân đối với khả năng ứng phó dịch bệnh của các chính phủ trong khu vực đều ở mức cao.
“Trong khi một số thể chế đa phương đang gặp nhiều thách thức, ASEAN đã thành công trong việc duy trì ổn định các hoạt động, giữ vững vai trò, vị thế của mình trong năm qua. Các đối tác tiếp tục coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Xu hướng đối thoại, hợp tác và liên kết có cơ sở ngày càng vững chắc trong bối cảnh khu vực và thế giới ngày nay” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá.
Tuy vậy, con đường trước mắt còn không ít trở ngại. Những tổn thất cả về người, về của mà hàng chục triệu người dân trong khu vực phải gánh chịu do thiên tai và dịch bệnh trong năm qua thật nặng nề.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, người dân ASEAN đang trông đợi ở lãnh đạo các quốc gia đề ra những biện pháp hợp tác hiệu quả và quyết liệt hơn nữa để kiểm soát tốt các làn sóng lây nhiễm mới, đồng thời duy trì các hoạt động và cùng các doanh nghiệp vực dậy nền kinh tế, hỗ trợ ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội cho tất cả các vùng, miền và mọi người dân của các quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị |
Việt Nam luôn chủ trương giữ vững độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại
Định vị chỗ đứng phù hợp cho ASEAN trong thế giới thời kỳ hậu Covid-19 là một vấn đề lớn. Mong muốn và ý chí mạnh mẽ giữ gìn một khu vực hòa bình, ổn định, đoàn kết và thống nhất trên cơ sở luật pháp quốc tế, đã và cần tiếp tục trở thành giá trị cốt lõi của Đông Nam Á và Cộng đồng ASEAN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, các nước ASEAN cần thể hiện bản lĩnh, tích cực phối hợp để hiện thực hóa những sáng kiến và kế hoạch phục hồi, với những phương thức hoạt động và hợp tác mới, thực chất và hiệu quả. Các khuôn khổ đối thoại và hợp tác ở khu vực với ASEAN giữ vai trò trung tâm càng cần được phát huy đầy đủ giá trị. ASEAN có thể đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa vào nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương, đề cao luật pháp quốc tế và củng cố hệ thống đa phương quốc tế với Liên hợp quốc là nòng cốt.
“Việt Nam luôn chủ trương giữ vững độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, hợp tác và phát triển. Tinh thần đó đã đưa Việt Nam trưởng thành và lớn mạnh trong suốt 75 năm qua và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của chúng tôi, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển phức tạp và khó lường hiện nay” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Quá trình gia nhập và đồng hành cùng ASEAN trong suốt 25 năm qua chính là tiền đề để Việt Nam triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế của mình. ASEAN đã trở thành ngôi nhà chung; Cộng đồng ASEAN là cơ sở quan trọng trong việc duy trì bản sắc của Đông Nam Á.
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng", Việt Nam trân trọng sự đoàn kết, ủng hộ, hỗ trợ quý báu từ các quốc gia thành viên, các đối tác và bạn bè của ASEAN để Cộng đồng ASEAN vững vàng vượt qua các thách thức, giữ vững đà liên kết, xây dựng cộng đồng và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, xây dựng khu vực Đông Nam Á hoà bình, hữu nghị, hợp tác, trung lập và ổn định.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã từng khẳng định "Đoàn kết là sức mạnh". Chỉ có thông qua hợp tác, tin cậy và chung sức, đồng lòng, ASEAN và thế giới mới có thể cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khôi phục tăng trưởng kinh tế, duy trì hoà bình, ổn định và phát triền bền vững” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (ngồi giữa) và lãnh đạo các Bộ, ngành tham dự Hội nghị |
Đại diện các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tham dự Hội nghị |
Các tiết mục nghệ thuật chào mừng Hội nghị |
Bốn ưu tiên trong giai đoạn tới
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Cấp cao giữa ASEAN với các đối tác sẽ có ý nghĩa quan trọng trong hoàn tất triển khai các ưu tiên đề ra của năm 2020 và định hướng hợp tác trong giai đoạn tới.
Theo đó, có 4 định hướng ưu tiên trong giai đoạn tới.
Trước hết, ASEAN cần tập trung nguồn lực và nỗ lực ở mức cao nhất để từng bước đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh Covid-19, sớm có vacxin phòng bệnh cũng như phương thức điều trị hữu hiệu, nâng cao năng lực y tế dự phòng để đáp ứng tốt nhất với các tình huống y tế khẩn cấp, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân. Song song với đó, chúng ta cần đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, việc làm và sinh kế cho người dân. Các Hội đồng Cộng đồng ASEAN khẩn trương bắt tay thực hiện Khung phục hồi tổng thể của ASEAN và Kế hoạch triển khai ngay sau Hội nghị này.
Góp phần tái định hình thế giới sau Covid-19, ASEAN cần xác lập vị trí của mình trong sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế - chính trị giữa các quốc gia cũng như những điều chỉnh của chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu. Lợi thế cạnh tranh sẵn có của ASEAN cần được bổ sung thêm các giá trị của khoa học công nghệ tiên tiến, năng lực chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khả năng đa dạng hóa các thị trường đầu vào và đầu ra.
Thứ hai, phát triển đồng đều, bền vững, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhất là khi dịch bệnh, thiên tai đang đe dọa làm suy giảm tăng trưởng của cả khu vực. ASEAN khẳng định cam kết và tình đoàn kết trong thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền và các quốc gia, gắn kết và hài hòa các nỗ lực phát triển tiểu vùng, như Mê Công, khu vực phát triển Đông ASEAN, với tiến trình phát triển chung của ASEAN.
Thứ ba, hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển. Ổn định chỉ có được khi quan hệ quốc tế được duy trì dựa trên luật lệ, các quốc gia cùng tôn trọng, hiểu biết, đối thoại, hợp tác và tin cậy lẫn nhau. ASEAN sẽ tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong dẫn dắt các tiến trình đối thoại và hợp tác sâu rộng ở khu vực; gắn kết sự tham gia, đóng góp của các đối tác vào các vấn đề thuộc quan tâm và lợi ích chung, ứng phó hữu hiệu với các thách thức.
Trên tinh thần đó, chúng ta sẽ thông qua các Tuyên bố quan trọng với các đối tác dịp này, trong đó có Tuyên bố kỷ niệm 15 năm tiến trình EAS, Tuyên bố về tăng cường hợp tác ASEAN+3 trong nâng cao năng lực tự cường kinh tế tài chính trước các thách thức đang nổi lên. Chúng ta cũng sẽ chính thức kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), khẳng định quyết tâm mạnh mẽ về tự do hóa thương mại và liên kết của ASEAN và các đối tác.
Chúng ta cũng sẽ tiếp tục nỗ lực kiến tạo cấu trúc hợp tác đa phương khu vực dựa trên luật lệ, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử được thừa nhận rộng rãi. Cuba, Colombia và Nam Phi sẽ tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) tại hội nghị lần này.
Cuối cùng, bản sắc và tình đoàn kết, gắn bó của Cộng đồng ASEAN càng cần được đề cao trong giai đoạn khó khăn, thử thách này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh việc thông qua Bản tường trình về bản sắc ASEAN cũng như các khuyến nghị của Hội đồng Điều phối ASEAN về khuyến khích treo cờ ASEAN tại các quốc gia thành viên và sử dụng ASEAN ca trong các hoạt động chính thức của ASEAN.