![]() |
Cần điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt để kiềm chế lạm phát |
Với định hướng TTTD của năm nay là từ 18-20%, 6 tháng đầu năm 2016 ngành Ngân hàng đã thực hiện nhiều chính sách khơi thông dòng vốn vào nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Việc thúc đẩy cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục cho vay ngoại tệ, sửa đổi Thông tư 36 và đặc biệt là giữ ổn định lãi suất cho vay... là những cú huých tích cực tới DN, giúp dòng vốn chảy nhiều hơn vào nền kinh tế.
Trái ngược với những lo ngại về sự tăng trưởng của nền kinh tế chưa thực sự ổn định sẽ khiến việc hấp thụ vốn ngân hàng không cao, 6 tháng đầu năm nay, TTTD đã đạt 8,16%, cao hơn mức 7,86% của cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại trước việc tín dụng 6 tháng qua tăng trưởng tương đối cao so với dự đoán ban đầu có thể là tác động không tốt tới việc kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm. Bởi trên thực tế, nguồn cung tiền trong quý III và IV thường đạt mức cao hơn thời điểm đầu năm nên với mức độ tăng như hiện nay, TTTD có thể chạm tới con số 20%. TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách - cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, việc nới lỏng tiền tệ, bơm mạnh vốn ra nền kinh tế có thể kích lạm phát tăng cao do kinh tế tăng trưởng chưa ổn định, nếu nền kinh tế có bất trắc, dòng vốn thường đổ vào lĩnh vực đầu cơ như thị trường tài sản, như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ… thay vì phải chảy vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Những tháng cuối năm được dự báo tiềm ẩn nhiều yếu tố khiến lạm phát có những diễn biến bất thường như CPI tăng cao do giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng, các độ trễ của chính sách cộng với áp lực về tỷ giá cũng là yếu tố có thể khiến lạm phát biến động mạnh. Đặc biệt, một số ngân hàng đã rục rịch tăng nhẹ lãi suất huy động từ 0,3-0,5% đối với từng kỳ hạn, điều này sẽ khiến lãi suất cho vay không thể đứng yên. Ngoài ra, thị trường bất động sản có mức tăng trưởng cao cộng với những biến động bất ngờ của thị trường vàng cũng là những yếu tố không thể bỏ qua trong việc tính toán để đưa ra một chính sách tiền tệ hài hòa cho nền kinh tế. Vì thế, để không tạo “mầm mống” bất ổn trên thị trường, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần xem xét thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó đặc biệt lưu ý đến gia tăng cung tiền và bội chi ngân sách.
Từ diễn biến thực tế thời gian qua, NHNN khẳng định trong 6 tháng cuối năm, cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ hàng ngày. Đặc biệt, đối với tiến độ giải ngân nguồn vốn từ ngân sách, để điều tiết lượng thanh khoả và cung ứng nguồn vốn tín dụng ra nền kinh tế phù hợp nhằm đảm bảo mục tiêu của chính sách tiền tệ đề ra từ đầu năm.
Theo NHNN, để đảm bảo dư địa cần thiết nhằm đối phó với lạm phát, những tháng cuối năm sẽ đẩy mạnh TTTD vào lĩnh vực như sản xuất, xuất khẩu và kiên quyết kiểm soát chặt giải ngân vốn, tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. |