Cải cách tiền lương cần gắn với kiềm chế lạm phát Cải cách tiền lương mới, cử tri cả nước băn khoăn lương tăng, giá cũng tăng: Bộ Nội vụ nói gì? |
Theo phương án đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội là 15%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng 29,2% (từ 2.055.000 đồng lên 2.655.000 đồng); tăng trợ cấp xã hội 38,9% (từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng). Nếu được thông qua, cùng thời điểm từ ngày 1/7, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và chuẩn trợ giúp xã hội sẽ được điều chỉnh.
Chính sách tiền lương mới sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2024 |
Hiện cả nước có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Trong đó, hơn 5,4 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; hơn 15 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.
Cho ý kiến đề xuất này, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị tính toán lại mức tăng phù hợp.
Bộ Tài chính ước tính sơ bộ, nhu cầu kinh phí ngân sách Nhà nước năm 2024 tăng thêm so với dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện phương án đề xuất trên là 17.276 tỷ đồng. Điều này vượt khả năng cân đối của dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được Quốc hội quyết định (tối đa 7.430 tỷ đồng).
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội rà soát, tính toán lại các phương án điều chỉnh cụ thể bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc và cơ sở pháp lý tại quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về việc điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu được dựa trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Bộ Tài chính cũng cho biết, trong điều kiện cân đối ngân sách trung ương khó khăn, nguồn bố trí điều chỉnh lương hưu và một số chính sách trợ cấp, an sinh xã hội rất hạn chế, trong khi một số địa phương vẫn tiếp tục dư nguồn cải cách tiền lương lớn.
Vì vậy, để chủ động nguồn điều chỉnh các chính sách và giảm áp lực bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội báo cáo cấp có thẩm quyền, cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương và nguồn cải cách tiền lương của các địa phương còn dư, sau khi đảm bảo đủ nhu cầu cải cách tiền lương được sử dụng để thực hiện việc điều chỉnh lương hưu và các loại trợ cấp nêu trên.
Theo tính toán, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 hơn 499 nghìn tỷ đồng. |