Đây là chia sẻ của ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) trước thềm mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch trở lại, ngày 15/3/2022.
Việt Nam sẽ chính thức mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch từ 15/3/2022 |
Trong quá trình phát triển của ngành du lịch, ông có đánh giá như thế nào về chính sách thị thực?
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) đã khẳng định, chính sách thuận lợi cho thị thực nhập cảnh làm tăng lượng khách du lịch quốc tế từ 5 đến 25% mỗi năm. Đặc biệt, chính sách miễn thị thực du lịch làm tăng 16,6% nhu cầu đi lại, làm tăng số việc làm trực tiếp trong ngành du lịch thêm 1,6 - 3,1%.
Trong một nghiên cứu của TAB về tác động của việc miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu, số lượt khách quốc tế trung bình từ các quốc gia Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia đến Việt Nam tăng gần 20%. So với các nước ASEAN khác thì tác động của việc miễn thị thực nhập cảnh đơn phương của Việt Nam là tích cực, làm tăng số du khách quốc tế đến, doanh thu từ du lịch gia tăng cao hơn nhiều lần sự giảm thu do miễn phí visa, tạo thêm nhiều việc làm trong ngành du lịch.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có nghiên cứu về mức chi tiêu bình quân trên đầu người của khách du lịch Tây Âu tại Việt Nam là khoảng 1.200 - 1.400 USD so với mức chi tiêu bình quân của khách du lịch từ các thị trường gần là khoảng 700 - 1.000 USD.
Ngày 15/3/2022, du lịch Việt Nam sẽ mở cửa toàn bộ hoạt động trở lại, vậy theo ông chính sách thị thực hiện tại của Việt Nam có ảnh hưởng đến nỗ lực tận dụng thời cơ vàng của toàn ngành kinh tế xanh?
Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) |
Như chúng ta đã biết, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, chính sách miễn thị thực được áp dụng cho cả khách mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và phổ thông gồm 88 nước miễn thị thực song phương và 13 nước miễn đơn phương. Do phần lớn khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam mang hộ chiếu phổ thông, vì vậy chính sách miễn thị thực của Việt Nam trước tháng 1/2020 dành cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ được tính là đã áp dụng cho 24 nước. Trong số này, có 5 nước gồm Anh, Đức, Italia, Pháp, Tây Ban Nha là các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam đã hết thời hạn miễn thị thực vào Việt Nam từ ngày 30/6/2021.
Bên cạnh đó, trước năm 2020, Việt Nam đã áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân của 80 nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong số các nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam thì vẫn còn một số nước và vùng lãnh thổ vừa không được áp dụng chính sách miễn thị thực, vừa không được áp dụng cấp thị thực điện tử như Đài Loan (Trung Quốc), Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine…
Theo TAB, chính sách thị thực là một trong những vấn đề quan trọng và mang tính chiến lược liên quan tới việc mở cửa du lịch quốc tế. Thời gian tới, việc cải thiện chính sách thị thực sẽ giúp ngành du lịch có thể nâng cao năng lực cạnh tranh với mục tiêu không chỉ đón được 5 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu ước đạt 400.000 tỷ đồng vào năm 2022 mà còn đạt được và vượt chỉ tiêu đặt ra vào năm 2025.
Để giúp ngành du lịch sớm phục hồi, theo ông thời gian tới giải pháp nào cần triển khai nhằm khắc phục những bấp cập của chính sách thị thực?
Nhiều nước trong khu vực ASEAN đã sử dụng chính sách tạo thuận lợi về thị thực (như Thái Lan đang áp dụng miễn thị thực du lịch cho công dân của 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, Indonesia áp dụng cho 70 quốc gia, Philippines aps dụng cho 157 quốc gia), nhất là áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương 30 ngày để thu hút thêm khách du lịch quốc tế đến nước đó.
Ngoài ra, theo khảo sát gần đây của các quốc gia châu Âu, sau khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ, nhu cầu đi du lịch đường dài của khách du lịch Anh, Pháp, Đức thường trên 15 ngày tại một quốc gia điểm đến.
Vì vậy, trước những hạn chế, tồn tại của chính sách visa đối với cơ hội đón khách du lịch của Việt Nam, TAB đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thực hiện gấp 6 vấn đề. Cụ thể, là: Gia hạn thời gian 3 năm miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước: Anh, Đức, Italia, Pháp, Tây Ban Nha. Đồng thời, cho phép công dân của 5 quốc gia Tây Âu kéo dài thời hạn tạm trú tại Việt Nam lên 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh; Cục Quản lý xuất nhập cảnh nên nhanh chóng mở trang web về xuất nhập cảnh Việt Nam mà không đợi đến ngày 15/3 để khách có thể đăng ký thị thực điện tử ngay.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho công dân các nước Australia, New Zealand, Canada và Thụy Sỹ; gia hạn thời gian 3 năm miễn thị thực đơn phương từ ngày 1/1/2023 cho công dân các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Belarus. Đồng thời, bổ sung danh sách các nước và vùng lãnh thổ được cấp thị thực điện tử như Đài Loan (Trung Quốc), Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan và tất cả các quốc gia châu Âu chưa được miễn thị thực nhập cảnh.
Cuối cùng là đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá về quyết định mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam cũng như các “điểm nhấn chính sách” để thu hút du khách, bao gồm các chính sách về miễn thị thực, thị thực điện tử.
Xin cảm ơn ông!