Đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội Giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc về quản lý, phát triển nhà ở |
Tại cuộc họp báo cáo về các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng lũ lụt, ngày 22/5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2013-2019 cả nước đã hoàn thành hỗ trợ cho 339.176 hộ người có công có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở, đạt 96,7%; giai đoạn 2015-2020 hỗ trợ 117.427/236.324 hộ nghèo, đạt 50%; giai đoạn 2014-2021 hỗ trợ 19.032/23.797 hộ nghèo vùng lũ lụt có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở, đạt 80%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cần đánh giá tổng thể, toàn diện về hiệu quả của tất cả các chính sách, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng khó khăn, miền núi, hải đảo… đã được triển khai bằng nguồn lực của nhà nước, xã hội, và cả vốn viện trợ phát triển…
Cuộc họp báo cáo về các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng lũ lụt, diễn ra ngày 22/5. Ảnh: VGP |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung chỉ rõ, hiện đang có nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế, xã hội khác nhau có nội dung về hỗ trợ nhà ở như 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững; phong trào xoá nhà tạm, nhà dột; xây nhà đại đoàn kết…
Tuy nhiên, mỗi chương trình lại thực hiện theo những quy định khác nhau khiến chính quyền địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở gặp nhiều khó khăn khi xác định, thống kê các hộ gia đình cần hỗ trợ bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp. Theo đó, có gia đình vừa thuộc diện người có công, lại là hộ nghèo, ở vùng lũ lụt hoặc địa bàn thuộc diện thụ hưởng chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… thì việc xác định mức hỗ trợ vừa phải bảo đảm lợi ích cao nhất cho người dân nhưng không chồng chéo, trùng lặp.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng lũ lụt còn bộc lộ nhiều bất cập hạn chế. Đó là mức hỗ trợ còn thấp, cào bằng, chưa tính tới đặc thù vùng, miền. Tiêu chí hỗ trợ xây dựng nhà ở dừng lại ở nhà cấp 4 với 3 cứng (tường cứng, nền cứng, mái cứng). Nhà nước mới chỉ hỗ trợ người dân xây dựng, sửa chữa nhà, chưa đặt trong tổng thể quy hoạch, phát triển hạ tầng kỹ thuật xã hội đi kèm như điện, đường, trường, trạm… Cơ chế hỗ trợ trực tiếp và cho vay lãi suất thấp nên chưa phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của nhiều hộ nghèo.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Các chính sách phải khẳng định vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo, người còn khó khăn. Ảnh: VGP |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: Các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng lũ lụt đã thể hiện bản chất ưu việt của chế độ, nhận được sự ủng hộ, quan tâm to lớn, cũng như sự ghi nhận, đánh giá cao của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, và toàn xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, việc tổng kết, đánh giá hiệu quả của ba chính sách này phải đặt trong mối quan hệ, liên kết với các chương trình, cơ chế, chính sách khác. Tương tự, kết quả hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng lũ lụt không nằm ngoài mục tiêu tổng thể về hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội nói riêng, việc thực hiện các chính sách xã hội để phát triển nhà ở nói chung. Đồng thời, cần làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân… trong việc huy động, đóng góp, sử dụng các nguồn lực dành cho hỗ trợ nhà ở xã hội.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường… hoàn thiện báo cáo tổng kết; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở mới. Đặc biệt, các chính sách phải làm rõ phạm vi, các nhóm đối tượng được hỗ trợ, cơ chế hỗ trợ cho từng nhóm như người có công, người nghèo ở địa bàn khó khăn, người nghèo...
Trong đó, Nhà nước chịu trách nhiệm hỗ trợ trực tiếp cho người có công, hỗ trợ một phần và cho vay với lãi suất thấp nhất có thể cho các hộ nghèo có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở; ban hành đơn giá, định mức kỹ thuật, tiêu chí về nhà ở bảo đảm an toàn, có đủ cơ sở hạ tầng đi kèm, thích ứng với biến đổi khí hậu; lập quy hoạch, sắp xếp lại các khu dân cư ở vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt. Mặt trận Tổ quốc, cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân dành kinh phí, nguồn lực cho những đối tượng khó khăn khác cần trợ giúp về nhà ở. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở trên địa bàn.
Phó Thủ tướng đề nghị phải chỉ rõ đối tượng cần hỗ trợ, nguồn kinh phí, người thực hiện, bảo đảm công bằng, thống nhất, trong điều kiện, đối tượng giống nhau thì mức hỗ trợ từ Nhà nước hay xã hội cũng giống nhau. “Các chính sách phải khẳng định vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo, người còn khó khăn. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm mọi người dân được sống trong môi trường an toàn, thụ hưởng các thành quả của sự phát triển, không để ai bỏ lại phía sau”- Phó Thủ tướng nêu rõ.