Lý giải về sự việc trên, Ban quản lý phủ Tây Hồ cho biết, do theo tín ngưỡng dân gian, đầu tháng 3 âm lịch là giỗ Mẫu nên lượng người đi lễ đông (phủ Tây Hồ là nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, nhân vật được coi là một trong “tứ bất tử” trong tâm linh người Việt). Tuy việc đóng cửa di tích này đã có từ ngay sau Tết âm lịch để phòng dịch Covid-19, thế nhưng không rõ vì lý do gì chỉ khi được tin đám đông người vẫn chen lấn bái vọng bên ngoài di tích, lãnh đạo phường Quảng An mới đến dùng loa để giải thích, vận động mọi người không tụ tập đông. Phải một lúc sau đám đông mới giải tán.
Chen lấn hành lễ ở phủ Tây Hồ. Ảnh Internet |
Điều đáng nói ở đây là việc quản lý chặt chẽ, thậm chí là khống chế đường đi lối lại vào di tích phủ Tây Hồ, tránh triệt để việc tụ tập đông người đến lễ bái là việc hoàn toàn trong tầm tay của chính quyền phường sở tại cũng như quận Tây Hồ, thế nhưng rõ ràng là nó đã không được làm tốt. Dư luận cho rằng, nếu chính quyền sở tại kiên quyết hơn, không hữu khuynh thì việc chấp hành triệt để các chỉ đạo phòng dịch hoàn toàn là việc trong tầm tay.
Nhiều người cho rằng, đám đông vô tư “bình yên” đứng cầu bình an cho riêng mình, gia đình mình có thể khiến cho cộng đồng bất an trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội. Nhất là khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo hạn chế tối đa việc tụ tập đông cũng như việc các cơ sở thờ tự không tổ chức hoạt động đông người và TP. Hà Nội đã tạm ngưng đón khách ở các điểm di tích tịch sử, danh lam thắng cảnh.
Ngay trong tối 24/3/2020, khi được báo chí hỏi về hiện tượng trên, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho rằng, nếu người dân không chấp hành quy định về phòng dịch Covid-19 thì “mọi nỗ lực của Chính phủ, TP. Hà Nội cùng các y bác sĩ sẽ đổ xuống sông, xuống biển”.
Ông Chủ tịch TP. Hà Nội có lý do để lo ngại trước những việc làm như trên của các công dân trong thành phố mà ông quản lý. Sau những “chòng chành” ban đầu trong ứng phó liên quan đến việc xuất hiện ca dương tính đầu tiên với Covid-19 trên địa bàn thành phố, Hà Nội đã nhanh chóng lập được thế chủ động trong đối phó và phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là đã chuẩn bị rốt ráo cho những kịch bản kể cả khốc liệt nhất với việc bình ổn thị trường cung cầu hàng hóa, nhất là các nhu yếu phẩm. Cùng đó, Hà Nội cũng đã có kịch bản xây dựng và duy trì các khu cách ly có thể phục vụ hàng chục nghìn người nếu dịch bệnh diễn tiến phức tạp.
Qua sự việc “bình yên đứng cầu bình an” nêu trên, ông Chung đã đưa ra thông điệp đề nghị tất cả người dân trên địa bàn thành phố cần phải thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đó là không tụ tập đông người, khuyến cáo mọi người dân ít ra nơi công cộng, hạn chế ra đường nếu không có việc cần thiết.
Bởi như ông Chung nhìn nhận, hiện trên địa bàn TP. Hà Nội đã xuất hiện dấu hiệu và những yếu tố có nguy cơ rất cao gây ra ổ dịch Covid-19. Thế nên việc thành công hay vỡ trận của những nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 sẽ phụ thuộc rất lớn và việc tuân thủ của người dân với các khuyến cáo. Nhất là khoảng thời gian 2 tuần tới đây được các chuyên gia y tế coi là khoảng thời gian vàng để khống chế dịch bệnh.
Và chắc chắn dư luận cũng đang chờ một nghiêm án kỷ luật dành cho chính quyền sở tại...