Đẩy nhanh tiến độ 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 5241/VPCP-CN ngày 16/8/2022 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc giao cơ quan có thẩm quyền đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan về phương án đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành.
Trước đó Văn phòng chính phủ đã ban hành văn bản số 1941/VPCP-CN, ngày 30/3/2022 về việc đề xuất giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện hai dự án đường sắt.
Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Đồng Nai, ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về việc giao UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có ý kiến: Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ liên quan về phương án đầu tư dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bảo đảm phù hợp quy hoạch, đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, chiều dài khoảng 65km. Điểm đầu: Ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối: Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Quy mô đề xuất thực hiện khổ 1.435mm, trong đó: Đoạn Biên Hòa - Thị Vải đường đôi, đoạn Thị Vải - Vũng Tàu đường đơn. Tổng mức đầu tư khoảng 50.822 tỷ đồng, theo phương thức PPP.
Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, chiều dài khoảng 37,5km. Điểm đầu: Ga Thủ Thiêm, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh điểm cuối: Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Quy mô đề xuất thực hiện: đường đôi, khổ 1.435mm, chỉ phục vụ hành khách. Tổng mức đầu tư khoảng 40.566 tỷ đồng, theo phương thức PPP.