Khánh Hòa: Duyệt quy hoạch 1/500 dự án 3,5 tỷ USD ven vịnh Cam Ranh Thủ tướng phê duyệt quy hoạch danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045.
Một góc huyện Cam Lâm nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Toàn |
Đô thị sân bay đẳng cấp quốc tế
Theo quyết định, khu vực quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 54.719,4 ha; không bao gồm diện tích đầm Thuỷ Triều.
Cam Lâm được định hướng trở thành cực tăng trưởng phía Nam tỉnh Khánh Hoà và vùng Nam Trung Bộ; góp phần sớm đưa Khánh Hoà lên thành phố trực thuộc trung ương. Cùng với đó, hướng tới trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế; trọng điểm dịch vụ du lịch biển, logistics; dịch vụ tài chính - trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu; trung tâm quốc tế về giáo dục, y tế, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới; đô thị có môi trường sống chất lượng cao; có hạ tầng đồng bộ và hiện đại...
Về tính chất đô thị, khu vực này sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo tầm khu vực; tập trung phát triển các lĩnh vực tài chính và thương mại - dịch vụ, giáo dục đào tạo, các viện nghiên cứu chế tạo ứng dụng công nghệ cao; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển nền kinh tế số của tỉnh Khánh Hoà nói riêng và cả nước nói chung.
Còn là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cấp quốc gia, hạt nhân phát triển du lịch của khu vực và thế giới...
Đến năm 2045, quy mô dân số đô thị mới Cam Lâm khoảng 770.000 người; trong đó dân số đô thị khoảng 639.780 người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 83%. Quy hoạch sử dụng đất ưu tiên tăng chỉ tiêu cho đất cây xanh, công cộng và giao thông; đất xây dựng khoảng 17.646 ha, mật độ khoảng 44 người/ha; đất dân dụng khoảng 6.384 ha, bình quân khoảng 99,8 m2 /người.
4 trục động lực phát triển
Về mô hình phát triển, đô thị Đô thị mới Cam Lâm theo mô hình đô thị tập trung tại khu vực đồng bằng; phát triển du lịch tại dải ven biển phía Đông gắn với bảo tồn cảnh quan đặc hữu của đầm Thuỷ Triều - vịnh Cam Ranh, bờ biển Bãi Dài và các giá trị sinh thái núi rừng phía Bắc và phía Tây.
Quy hoạch chỉ rõ, phát triển đô thị mới Cam Lâm theo 4 trục động lực. Cụ thể, trục hành lang cao tốc Bắc - Nam sẽ liên kết cảng Cam Ranh, sân bay Cam Ranh với hệ thống giao thông - hạ tầng quốc gia; trọng tâm phát triển các đầu mối trung chuyển, dịch vụ kho bãi, dịch vụ vận tải thông minh đa phương tiện.
Trục ven biển Bãi Dài, liên kết từ sân bay Cam Ranh đến thành phố Nha Trang; trọng tâm phát triển dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí biển - đảo.
Trục cảnh quan nước, liên kết không gian nước từ vịnh Cam Ranh, qua Đầm Thủy Triều đến sông Trường, suối Cầu, suối Cát...; trọng tâm bảo vệ nguồn nước, duy trì bền vững cấu trúc hệ thống thủy văn, phát triển đa dạng sinh học, xây dựng cảnh quan xanh hấp dẫn mang đặc trưng bản địa, gìn giữ vệ sinh môi trường, phát triển mô hình “đô thị du thuyền”.
Và trục trung tâm đô thị, từ cửa ngõ đô thị đến trung tâm khu vực Bãi Dài, trọng tâm phát triển tập trung các chức năng mũi nhọn cấp vùng và cấp đô thị.
Quy hoạch cũng cho biết sẽ hình thành 4 khu trung tâm mới ở đô thị mới Cam Lâm, gồm Khu trung tâm tổng hợp cấp vùng tại thị trấn Cam Đức; Khu trung tâm du lịch phía Đông tại xã Cam Hải Đông; Khu trung tâm đô thị phía Bắc tại xã Cam Hòa và Khu trung tâm đô thị phía Nam tại xã Cam Thành Bắc.
Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm được thực hiện trong hai phân kỳ. Ước toán tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị khoảng 320 nghìn tỷ đồng.