Thứ sáu 16/05/2025 12:31
VBF 2017:

Chính phủ cam kết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân

Với chủ đề “VBF- 20 năm đồng hàng cùng cộng đồng doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2020”, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2017 (VBF 2017) đã diễn ra sáng nay (12/12), tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát biểu quan trọng.
Toàn cảnh VBF2017

GDP tăng gấp 8 lần trong 20 năm

Sáng kiến Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện bắt đầu từ năm 1997, phát biểu khai mạc VBF 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: 20 năm qua, VBF đã thực sự trở thành kênh đối thoại chính sách thường xuyên và hiệu quả giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Với mục đích xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam. Những đóng góp của VBF đã giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, và tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu tại VBF 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, suốt 20 năm qua, VBF đã luôn đồng hành cùng Chính phủ, các cấp, ngành và cộng đồng DN trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp. Nhờ nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, 20 năm qua, GDP của Việt Nam đã tăng gấp 8 lần, từ 27 tỷ USD vào năm 1997, dự kiến lên tới 220 tỷ USD năm 2017 và phấn đấu đạt gần 300 tỷ USD vào năm 2020. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 dự kiến tăng 6,7%, cao nhất trong 10 năm qua.

Cùng với tăng trưởng kinh tế, nhờ cải thiện tốt môi trường kinh doanh, số lượng DN gia nhập thị trường những năm gần đây tăng mạnh. Năm 2016, Việt Nam có 110 ngàn DN mới gia nhập thị trường, năm 2017 dự kiến có hơn 120 ngàn DN gia nhập thị trường. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh, năm 2017, Việt Nam dự kiến thu hút được trên 35 tỷ USD vốn FDI, trong đó, vốn FDI giải ngân dự kiến đạt 17,5 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại VBF 2017

Cũng theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Theo Báo cáo 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp hạng 68/190 nền kinh tế về môi trường kinh doanh, tăng 14 bậc so với năm 2017 và tăng 30 bậc so với năm 2012. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước. Cùng với đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s tháng 11/2017 nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”…

Thêm cơ chế cho khu vực DNTN

Mặc dù môi trường kinh doanh tại Việt Nam những năm qua đã được cải thiện tích cực, số lượng DN tham gia thị trường ngày một lớn. Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực và thế giới về thu hút FDI. Tuy nhiên, phát biểu tại VBF 2017, cộng đồng DN vẫn cho rằng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, gây cản trở cho sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN)

Cụ thể, theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn khó khăn, phiền hà, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu chưa chuyển động nhanh như mong muốn. Nhiều Bộ ngành còn chần chừ, chưa mạnh dạn cắt bỏ và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm kiểm tra chuyên ngành… khiến DN vẫn phải chịu gánh nặng chi phí không chính thức.

VBF 2017 thu hút sự tham gia của cộng đồng DN tư nhân

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Karashima cũng cho rằng, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề do sự hiểu biết không đầy đủ của cán bộ trực tiếp thực hiện, cách giải thích về quy định pháp luật chưa rõ ràng,…

Sự thiếu minh bạch sẽ gây khó khăn cho DN, nhà đầu tư trong quá trình thực thi pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam- ông Hiroshi Karashima nhấn mạnh.

Thừa nhận những tồn tại của môi trường đầu tư Việt Nam, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sẽ chung tay cùng cộng đồng DNTN. Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn, bao gồm: Thứ nhất, Chính phủ ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của DN, nhà đầu tư và nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ, lấy nền tảng con người và năng lực khoa học công nghệ làm động lực của tăng trưởng trong những thập niên tới; Thứ hai, Chính phủ quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị xã hội ổn định. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách khu vực DN Nhà nước, hệ thống tài chính ngân hàng, xử lý nợ xấu, kiểm soát thâm hụt ngân sách, nợ công và cải cách hệ thống thuế theo hướng hiệu quả trên tinh thần giảm gánh nặng tài chính cho DN, nâng cao phúc lợi và an sinh xã hội; Thứ ba, tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả. Thúc đẩy pháp quyền, nâng cao năng lực quản trị nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự tăng trưởng…

Cam kết đưa ra những cơ chế thuận lợi cho khu vực DN trong và ngoài nước hoạt động, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các DN có hành vi gây ô nhiễm, phá vỡ tính bền vững của môi trường tự nhiên, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các giá trị truyền thống về văn hóa, xã hội, sử dụng lao động bất hợp pháp, ít quan tâm đến quyền lợi người lao động; sản xuất hàng giả, kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân…

Nguyễn Hòa
Bài viết cùng chủ đề: doanh nghiệp tư nhân

Tin cùng chuyên mục

Bộ Công Thương tổ chức hội nghị đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng

Tây Ban Nha muốn tham gia vào dự án công nghiệp, năng lượng tại Việt Nam

Hai quyết sách 'nức lòng dân' của Tổng Bí thư Tô Lâm

Thủ tướng Chính phủ tham dự Diễn đàn phát triển ngành bán dẫn và AI

Sáp nhập tỉnh cần chú ý yếu tố văn hóa

Cần truyền thông để doanh nghiệp hiểu đúng về thị trường carbon

Chống lãng phí ở nơi trụ cột của nền kinh tế

Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam: Tạo động lực chuyển đổi thông minh, phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ 2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024

Khu thương mại tự do là mô hình hiệu quả thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển logistics

Khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề về khu thương mại tự do

Nhiều doanh nghiệp Bulgaria muốn đầu tư vào các ngành công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh

Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Đại biểu bàn phân cấp, phân quyền

TP. Hồ Chí Minh: Hơn 400 đại biểu tham gia Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững 2024

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài dự Diễn đàn Khu thương mại tự do- Động lực mới phát triển ngành logistics Đà Nẵng

Diễn đàn thương mại bán lẻ hàng không: Cơ hội quảng bá và thu hút đầu tư thương mại du lịch

Xây dựng Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Báo chí góp phần quan trọng kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng: GEFE 2024 - cơ hội hướng đến phát triển xanh và bền vững