Kiên Giang: Siết kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng Hà Giang: Tiêu hủy lô hàng giả mạo nhãn hiệu Apple, Samsung |
Theo chuyên gia, việc duyệt quảng cáo dễ dàng của nền tảng chính là lỗ hổng khiến tình trạng này diễn ra tràn lan.
Những link website giả xuất hiện trong các bài quảng cáo trên Facebook. Ảnh chụp màn hình |
Lập fanpage giả để bán hàng giả
Thấy chai nước hoa Dior được giảm giá 70%, từ gần 3 triệu đồng xuống còn hơn 800.000 đồng, Nguyễn Kiều Anh nhanh tay đặt vì sợ bỏ lỡ cơ hội mua nước hoa xịn giá rẻ. Bài viết trên trang (fanpage) Facebook còn nhấn mạnh khách hàng đặt mua nước hoa sớm được tặng 1 thỏi son dưỡng. Điều này khiến Kiều Anh nghĩ rằng đã “săn sale” thành công.
Sau khi hoàn tất việc điền thông tin và thanh toán, nước hoa được giao đến nhà cô sau 3 ngày. Khi nhận được hàng, Kiều Anh tá hỏa vì thấy mùi hương không giống như lọ nước hoa cô đã từng dùng, tem mác cũng khác hẳn. “Trên bảng tin của tôi, rất nhiều fanpage đăng bài về việc nước hoa giảm giá nên tôi cứ nghĩ thương hiệu này có đợt giảm giá thật. Tôi cũng đã đọc bình luận của mọi người, thấy có nhiều người khen nên tôi mới tin tưởng đặt mua” - Kiều Anh kể lại.
Truy cập vào fanpage để nhắn tin phản ánh về sản phẩm, cô nhận ra đây không phải fanpage chính thức của hãng nước hoa tại Việt Nam. Fanpage này mới được lập ra với 28 bài viết trong 1 tháng trở lại đây và chỉ có 203 lượt thích trang.
Sau khi nhắn tin cho quản trị viên, tài khoản Facebook của cô bị chặn. Các cuộc gọi đến tổng đài cũng là những tiếng chuông kéo dài trong vô vọng. Website liên kết với fanpage - nơi cô đặt hàng cũng là một website giả với tên miền diiorvietnam.
Trong khi đó, Vương Thị Trang chọn mua chiếc tai nghe Marshall Minor 3 thông qua link mà fanpage có tên K.S.C chia sẻ. Chiếc tai nghe cô mua được giảm giá từ 2,59 triệu đồng xuống còn 549.000 đồng. Thế nhưng, khi sử dụng, chiếc tai nghe lại chẳng thể kết nối với điện thoại. Khi vào fanpage, cô mới nhận ra đây là trang giả mạo của K.S.C. Fanpage này chỉ có 158 lượt thích - khác hẳn fanpage thật với 2,4 triệu lượt thích. Lên hội nhóm về Marshall để “kêu cứu”, Trang mới biết có rất nhiều người rơi vào trường hợp tương tự.
Lỗ hổng khiến quảng cáo hàng giả mọc lên trên Facebook
Anh Lê Quang Dũng - Giám đốc Marketing Masthead Digital, chuyên gia trong lĩnh vực Digital Marketing, Social, Facebook Ads - cho biết, một doanh nghiệp hoặc cá nhân muốn chạy quảng cáo trên Facebook chỉ cần có fanpage, có tài khoản quảng cáo và có thẻ visa để thanh toán. Với các bước chạy quảng cáo, Meta (công ty chủ quản của Facebook) có hướng dẫn từng bước kỹ càng, giúp bất cứ ai cũng có thể làm được một cách dễ dàng.
“Bất kỳ ai cũng có thể lập các fanpage đạo nhái nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm. Facebook kiểm soát việc này kỳ cực yếu. Đây là kẽ hở khiến Facebook của người dùng xuất hiện rất nhiều bài quảng cáo bán hàng giả, hàng nhái từ chính các fanpage đạo nhái” - anh Dũng phân tích.
Theo anh Dũng, khi chạy các quảng cáo trên nền tảng này, nội dung quảng cáo sẽ được phân bổ nhiều nhất ở bảng tin người dùng. Các nhà quảng cáo có thể chọn vị trí quảng cáo mà họ mong muốn. Việc tự động đặt các vị trí quảng cáo tốt như bảng tin người dùng quá nhiều khiến người dùng sẽ phải đối mặt với quá nhiều quảng cáo đến từ Facebook.
“Hiện tại, khoảng 4 bài viết tự nhiên sẽ xuất hiện 1 bài quảng cáo. Với các quảng cáo này, người dùng không thể biết được có phải là sản phẩm chất lượng hay không” - anh Dũng cho biết.
Khi phát hiện những fanpage giả mạo hoặc những quảng cáo bán hàng giả, người dùng có thể dễ dàng ấn vào nút báo cáo. Thế nhưng, theo Giám đốc Marketing Masthead Digital, kết quả mà Facebook trả về chỉ là xem xét quảng cáo và không thấy vi phạm. Hoặc nếu phát hiện vi phạm, Facebook chỉ từ chối bài quảng cáo đó chứ ít khi có các hành động mạnh mẽ hơn.
Hành động mạnh mẽ nhất của Facebook là có thể khoá fanpage. Và sau đó, các đối tượng lại có thể lập các fanpage mới ngay lập tức, vòng tròn bán hàng giả tiếp tục lặp lại. Để giải quyết triệt để tình trạng này, anh Dũng cho rằng, Facebook cần quyết liệt hơn với các nhà quảng cáo, các chủ sở hữu fanpage đồng thời yêu cầu xác minh cho các yếu tố liên quan.
Thận trọng khi mua đồ trên Facebook Ngoài việc nền tảng siết chặt hơn trong hoạt động quảng cáo, anh Dũng cho rằng, người mua hàng cần cẩn trọng trước khi quyết định đặt mua đồ trên Facebook. Người dùng có thể truy cập vào fanpage đang chạy quảng cáo để xem đây có phải fanpage uy tín hay không. Song song với đó, cần truy cập vào Google, tìm thông tin website của nhãn hàng để xác minh sản phẩm mình mua. Người dùng tuyệt đối không chuyển tiền trước hoặc nhận sản phẩm mà không kiểm tra. |