Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 6/7/2023: NATO thừa nhận Ukraine phản công khó khăn Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 17/9/2023: NATO thừa nhận yêu cầu vũ khí của Kiev vượt khả năng |
Cuộc phản công quy mô lớn của Ukraine trong năm 2023 đang có nguy cơ thất bại, trong đó đáng kể nhất là việc Quân đội Ukraine sử dụng chiến thuật, binh sĩ và trang bị được NATO huấn luyện và cung cấp đã không thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga.
Đánh giá về vấn đề trên, chuyên gia quân sự Michael Peck đánh giá: “Không chỉ có phía Ukraine phải chịu trách nhiệm về sự thất bại trong cuộc phản công. Họ sử dụng chiến thuật của phương Tây nhưng tỏ ra không hiệu quả trên chiến trường. Điều này chứng tỏ các nước NATO chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu tiềm tàng với Nga”.
Chiến thuật NATO áp dụng trên lực lượng vũ trang Ukraine
Dù bắt đầu từ tháng 6/2023, nhưng sau 4 tháng, cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra rất chậm. Thực tế chiến trường đã chứng minh lực lượng vũ trang Ukraine không thể áp dụng và thực hiện hiệu quả chiến thuật NATO được huấn luyện và sự hỗ trợ của chuyên gia phương Tây.
Trong lịch sử chưa bao giờ NATO và Liên Xô hay Nga đụng độ quân sự ở quy mô lớn. |
Đến thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia quân sự quốc tế hoài nghi rằng liệu vấn đề của cuộc phản công không phải do Quân đội Ukraine, mà do chiến thuật sai lầm của phương Tây. Những gì binh sĩ Ukraine đang trải qua trên chiến trường sẽ chính là binh sĩ NATO khi phải đối đầu với đối thủ mạnh mà không có không quân và thiếu thốn hậu cần.
Ngay khi cuộc phản công của Ukraine bắt đầu, giới chức quân sự phương Tây đều đánh giá đây không phải là hoạt động quân sự dễ dàng. Quân đội Nga đã có nhiều tháng để xây dựng và củng cố hệ thống phòng thủ. Điều quan trọng hơn là Nga với truyền thống từ Quân đội Liên Xô có kinh nghiệm và chiến thuật phòng thủ chiều sâu rất lợi hại. Chiến thuật này đã được điều chỉnh để tạo hiệu quả vượt trội với những bãi mìn rộng lớn phía trước tuyến phòng thủ.
Ý tưởng về việc các lữ đoàn Ukraine sau vài tuần huấn luyện theo chuẩn NATO có thể loại bỏ được hệ thống chỉ huy theo truyền thống Liên Xô là không khả thi. Thực tế, việc áp dụng chiến thuật và học thuyết chiến tranh mới với mỗi quân đội không thể thực hiện trong ngày 1 ngày 2. Còn đối với Ukraine thì họ phải thực hành với hệ thống phòng thủ được coi là tốt nhất thế giới hiện nay của Nga.
Ngoài ra, thực tế chiến trường đã chứng minh chiến thuật của NATO cơ bản không phù hợp tại Ukraine. Điều này đã được binh sĩ Ukraine chia sẻ với ấn phẩm openDemocracy sau đợt huấn luyện kéo dài vài tuần tại Anh. Các đơn vị Ukraine không được huấn luyện làm thể nào để vượt qua những dãy chiến hào dày đặc, bãi mìn, hàng rào thép gai và răng rồng… Dù Ukraine bất chấp tổn thất đã tiến tới sát phòng tuyến đầu tiên của Nga tại mặt trận Zaporozhye, nhưng “cơn ác mộng” vẫn chưa bắt đầu, khi mùa Đông đến, Ukraine cơ bản sẽ không duy trì được tuyến hậu cần cho các đơn vị xung kích tuyến đầu. Thời tiết xấu cũng không cho phép sử dụng phương tiện chiến đấu hạng nặng và lực lượng Ukraine sẽ phơi mình trước hỏa lực pháo binh và không quân vượt trội của Nga.
Trong những ngày đầu tiên phản công, Quân đội Ukraine đã áp dụng chiến thuật tiêu chuẩn của NATO trong tấn công với sự phối hợp giữa bộ binh và xe thiết giáp tiến vào vùng xám. Ngay lập tức, các mũi tấn công Ukraine được “chào đón” bởi các bãi mìn, pháo binh và không quân chiến thuật Nga gây thiệt hại nặng.
Để hạn chế thiệt hại, Ukraine đã đổi sang chiến thuật giống như mặt trận phía Tây năm 1917 với việc sử dụng các đơn vị bộ binh xung kích cố gắng giành từng mét đất theo phương châm: “Giành giật và cố giữ”. Trong thời điểm đó, hỏa lực pháo binh được huy động tối đa để hạn chế khả năng luân chuyển lực lượng và phá hủy tuyến hậu cần của phía Nga.
NATO chưa có kinh nghiệm chiến trường với các đối thủ xứng tầm
Nhiều chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, binh sĩ Ukraine đã không tuân thủ chiến thuật tác chiến của NATO. Tuy nhiên, với chiến trường Ukraine, kể cả các sĩ quan chỉ huy NATO cũng không có khả năng điều phối mặt trận theo quy ước chung của khối.
Chiến thuật NATO dự trên kinh nghiệm đối phó với khủng bố và các quốc gia nhỏ yếu không phù hợp để đối đầu với siêu cường quân sự như Nga |
Cùng với đó, sau Chiến tranh Lạnh, hầu hết các quốc gia phương Tây đều cắt giảm ngân sách quốc phòng khiến quân đội không được đầu tư và giảm sức chiến đấu nghiêm trọng. Còn Mỹ thì đang chuyển hướng sang châu Á. Quân đội khổng lồ của xứ sở cờ hoa cũng đang đối mặt với tình trạng lão hóa và thiếu nguồn lực để tham gia cuộc chiến lâu dài và giằng co.
Những kinh nghiệm tác chiến của phương Tây và NATO chủ yếu là với các đối thủ dưới cơ, các quốc gia suy kiệt sau nhiều năm cấm vận, nhưng điều này vô nghĩa đối với Nga, cường quốc quân sự của thế giới.
Trả lời với tờ The New York Times, binh sĩ Ukraine chia sẻ, những kinh nghiệm tác chiến do chuyên gia NATO cung cấp dựa trên thực chiến ở Iraq và Afghanistan không hiệu quả khi đối đầu với Nga. Tác chiến đội hình nhỏ dựa trên ưu thế của pháo binh và không quân, không sợ đối phương phản công quy ước là những thứ chỉ tồn tại khi đối đầu với phiến quân được trang bị súng trường và chất nổ tự chế. Còn tác chiến với Quân đội Nga, binh sĩ Ukraine có nguy cơ hứng chịu mọi nguy cơ từ trên mặt đất, từ trên không. Và cơ bản không có nơi nào an toàn trên chiến trường.
Kịch bản này sẽ khó khăn kể cả với các đội quân chính quy của NATO. Liệu các chỉ huy NATO đã sẵn sàng đối đầu với các quân đội mạnh như Nga khi hệ thống liên lạc có thể bị áp chế điện tử, việc di chuyển quân bị UAV theo sát liên tục, có thể huy động các đơn vị đột kích tấn công phòng tuyến đối phương dưới cơn mưa hỏa lực pháo binh và không quân chiến thuật?
Câu trả lời cho những trận chiến như vậy sẽ phải trả bằng thiệt hại và sự điều chỉnh về trang bị, chiến thuật phù hợp. Chiến trường Ukraine cũng một lần nữa chứng minh những công nghệ vũ khí tân tiến như tên lửa hành trình, UAV tự sát…, trong các hoạt động quân sự quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng, sự quan trọng của các loại vũ khí truyền thống như xe tăng, xe bọc thép và phương tiện quét mìn vẫn đóng vai trò quan trọng.
Những bài học quý rút ra từ cuộc xung đột Ukraine chính là sự thích ứng nhanh chóng với điều kiện chiến trường. Từ đầu cuộc xung đột, nếu xét về tương quan lực lượng, Nga có đủ khả năng đè bẹp Ukraine trong vài ngày chiến sự, nhưng Kiev đã biết tận dụng nguồn lực để tồn tại. Tới giai đoạn sau của cuộc chiến, Ukraine với sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây tưởng như có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga một cách dễ dàng, nhưng chiến trường giằng co đã khiến cuộc phản công cơ bản đã thất bại.