Chiến sự Nga-Ukraine: Israel “bật đèn xanh” cho phép các nước khác bán lại vũ khí cho Ukraine Chiến sự Nga-Ukraine: Quân đội Ukraine mở cuộc phản công quy mô lớn hướng Zaporozhye |
Mới đây, tờ Góc nhìn của Nga dẫn lời giới chuyên gia đánh giá, Quân đội Ukraine đang rơi vào giai đoạn thiếu thốn đạn dược và điều này ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng sẵn sàng chiến đấu, cũng như tổ chức các đợt phản công lớn.
Khi Ukraine phụ thuộc vào nguồn đạn dược viện trợ
Theo đó, với tốc độ sử dụng hỏa lực quy mô lớn, dài ngày trên chiến trường, Ukraine hiện đã sử dụng hết nguồn đạn dược dự trữ từ thời Liên Xô và phụ thuộc vào nguồn viện trợ từ Mỹ và phương Tây. Điều này trở nên rõ ràng khi không chỉ Ukraine, mà cả các nhà viện trợ cho Kiev cũng đang cạn kiện nguồn dự trữ đạn dược.
Hiện tại, Quân đội Ukraine đang sử dụng rộng rãi các loại pháo binh theo chuẩn NATO với cỡ nòng 155mm, rocket HIMARS kết hợp với các loại súng bộ binh cơ đạn chuẩn Liên Xô và Nga. Sau 9 tháng chiến sự, nguồn dự trữ đạn dược của Ukraine đang dần cạn kiệt khi ngành công nghiệp quốc phòng nước này đã tê liệt sau các đợt tập kích đường không của Nga.
The Washington Post đánh giá, các quốc gia NATO, bao gồm Mỹ và phương Tây đã phải chuyển tới “những viên đạn dự trữ” cuối cùng cho Ukraine. Việc duy trì nhịp độ viện trợ như hiện tại có thể ảnh hưởng tới năng lực phòng thủ khiến các quốc gia NATO e ngại.
Khi nguồn đạn dược dự trữ từ thời Liên Xô cạn kiệt, Ukraine đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn viện trợ quân sự từ Mỹ và phương Tây. Ảnh: TASS |
Về phần mình, Kiev đã nhiều lần nói về sự “cạn kiệt đạn dược viện trợ” từ phương Tây và hối thúc các quốc gia tiếp tục duy trì nguồn viện trợ. Tuy nhiên, do không được chuẩn bị cho cuộc chiến quy mô lớn như đang diễn ra ở miền Đông Ukraine, ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đang thích ứng không kịp và khó có thể tăng sản lượng trong ngắn hạn.
Với đặc điểm hình thái chiến trường ở miền Đông Ukraine, các bên tham chiến thường sử dụng số lượng lớn đạn dược trong chiến đấu. Tờ Góc nhìn nêu ví dụ, mỗi băng đạn tiêu chuẩn 30 viên của súng trường AK-74 đủ hỏa lực duy trì trong 3 giây hay tốc độ bắn của pháo tự hành 152mm Acacia là 3 viên/phút. Với quy mô chiến trường ở Ukraine, mỗi ngày có thể tiêu tốn hàng trăm tấn đạn dược, thậm chí gấp nhiều lần trong các đợt phản công. Điều này có thể thấy rõ tại các trận địa pháo binh hay điểm phòng thủ của các bên tham chiến.
Tại các điểm nóng, thường hiếm khi im tiếng súng và chúng cần được bổ sung đạn dược thường xuyên. Một đợt tấn công hay phản công thường tiêu tốn nguồn đạn dược trung bình dùng trong 2-3 ngày. Cùng với đó là sự suy hao của khí tài chiến đấu. Mỗi nòng súng hay pháo được thiết kế cho số lượng phát bắn nhất định rồi sẽ giảm độ chính xác. Vì thế, chúng cần được bảo trì và thay thế thường xuyên.
Trong các đợt tấn công, người lính thường tiêu thụ cao hơn khoảng 5-6 lần cơ số đạn thông thường, tương ứng khoảng 2.5000 viên đạn. Cùng với lượng đạn dự trữ chiến đấu khoảng 3 cơ số đạn. Đối với pháo binh, cơ số tiêu hao thường gấp 3-4 lần thông thường, tương ứng khoảng 1.500 viên/ngày.
Tốc độ tiêu hao đạn dược ở góc tham chiếu hẹp kể trên giúp giải thích cho việc tại sao Ukraine nhanh chóng hết nguồn đạn dược dự trữ khi liên tục tổ chức các đợt phản công quy mô, trong khi nguồn đạn dược gần như phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ.
Trong báo cáo mới nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiết lộ một phần về hoạt động viện trợ đạn dược cho Quân đội Ukraine. Kể từ khi xung đột bùng phát vào cuối tháng 2/2022, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine khoảng 90.000 tấn vũ khí và đạn dược, sử dụng hơn 900 chuyến bay quân sự, trong đó có khoảng 1 triệu quả đạn pháo đã được chuyển giao.
Con số trên có vẻ là lớn, nhưng chỉ đúng trong thời bình. Trong cuộc xung đột quy mô và cường độ kéo dài nhiều tháng như tại Ukraine, số lượng đạn dược đó giống như “hạt muối bỏ bể”. Căn cứ vào quy mô pháo binh cỡ 155mm của Ukraine được viện trợ khoảng 70-80 đơn vị, nếu tham chiến tích cực thì có thể sử dụng tới hơn 400.000 cơ số đạn.
Một điểm đáng chú ý khác là khoảng cách vận chuyển đạn dược tới chiến trường. Do đường biển và một phần không phận Ukraine không thể sử dụng để vận chuyển đạn dược, phần lớn chúng được vận chuyển bằng đường bộ từ Ba Lan, Rumania. Những chuyến hàng này thường xuyên nằm trong tầm ngắm của lực lượng Không quân-vũ trụ Nga. Chính vì thế sự hao hút khi tới được chiến trường miền Đông Ukraine là rất đáng kể.
Tại sao hỏa lực pháo binh Nga luôn gấp 4-6 lần Ukraine
Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia quân sự, Trung tướng Anatoly Khrulev chia sẻ với tờ Góc nhìn: “Mức độ tiêu hao đạn dược với từng chủng loại vũ khí là khác nhau trong nhiệm vụ tấn công và phòng thủ. Nếu thiếu lực lượng trinh sát và tình báo mạnh, rất nhiều đợt pháo kích sẽ tiêu hao đạn dược vô ích. Điều này không hiếm gặp ở cả phía Nga và Ukraine”.
Với ngành công nghiệp quốc phòng khổng lồ và sự chuẩn bị trước cho chiến tranh, Quân đội Nga và đồng minh đang nguồn đạn dược gần như vô tận trong các trận chiến tại miền Đông Ukraine |
Thông thường trong tác chiến, nếu lượng đạn dược dự trữ tiêu hao khoảng 25% thì đơn vị chiến đấu sẽ đề nghị bổ sung. Yếu tố tiên quyết để tăng hiệu quả sử dụng đạn dược chính là việc đào tạo kíp chiến đấu. “Giống như huấn luyện bắn tỉa, người lính được yêu cầu tiêu diệt mục tiêu với 2 viên đạn. Trong pháo binh, yêu cầu này thường là 50 viên đạn. Tuy nhiên, với kíp chiến đấu được đào tạo tốt, hiệu quả tiêu diệt mục tiêu thường là 8 viên đạn”, Trung tướng Anatoly Khrulev chia sẻ.
Theo lời chuyên gia Anatoly Khrulev, ngày nay, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, đặc biệt là UAV trinh sát, các kíp chiến đấu có hiệu quả tiêu diệt mục tiêu cao hơn đáng kể.
Ngoài ra, việc sử dụng rộng rãi các loại đạn pháo dẫn đường chính xác cao cũng giúp nâng cao đáng kể khả năng tiêu diệt mục tiêu ngay từ phát bắn đầu tiên, dù chi phí không hề rẻ.
Đánh giá về quy mô và cách thức sử dụng hỏa lực pháo binh tại chiến trường Ukraine, nhà quan sát quân sự Vladislav Shurygin đánh giá có sự khác biệt lớn giữa các thức tiêu thụ đạn dược giữa Quân đội Nga và Ukraine.
“Lính pháo binh Ukraine hiểu rõ những gì còn lại. Nguồn đạn dự trữ chính là cơ số đạn tại chỗ. Nếu sử dụng hết, họ sẽ chẳng còn gì để bắn trả lại. Trong khi đó, nguồn đạn dược của Nga rất dồi dào, thậm chí là vô tận”, ông Vladislav Shurygin đánh giá. Điều này giúp giải thích tại sao pháo binh Nga luôn duy trì hỏa lực gấp 4-6 lần so với Ukraine tại mặt trận miền Đông.
Với nguồn đạn dược hiện tại, trước khi nghĩ tới việc phản công, Quân đội Ukraine phải tính tới việc đảm bảo nguồn hậu cần, đạn dược ra sao trước đối thủ áp đảo hoàn toàn về hỏa lực như Nga.