Chiến sự Nga-Ukraine 18/11: Ukraine lại yêu cầu vũ khí “khủng” từ Mỹ |
Mới đây nhất tuyên bố của Chính phủ Italia sẽ không viện trợ một số loại vũ khí hiện đại theo đề xuất của Kiev. Tất cả những động thái trên đều có lý do.
Mỹ và EU sẽ không viện trợ các loại vũ khí hiện đại, phức tạp cho Ukraine không chỉ vì bí mật công nghệ, mà còn do lo ngại ảnh hưởng về danh tiếng nếu bị phía Nga tiêu diệt. |
Yêu cầu không có giới hạn từ Ukraine
Kể từ tháng 3/2022, Italia đã cung cấp lựu pháo 155mm H-70, pháo tự hành M109L và PZH 2000, xe bọc thép chở quân M113, tổ hợp pháo phản lực phóng loạt, súng cối, và tên lửa chống tăng cho phía Ukraine. Con số viện trợ cụ thể không được công bố, nhưng thực tế Rome đã cung cấp tới 5 đợt viện trợ cho Ukraine và không sẵn sàng thực hiện đợt thứ 6.
Trả lời tờ Il Messaggero, Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto tuyên bố: "Chúng tôi không chuẩn bị gói viện trợ thứ 6 và cung cấp thêm các loại tên lửa hiện đại. Tôi có thể phải đối mặt với yêu cầu mới về viện trợ quân sự cho Ukraine từ NATO và Liên minh châu Âu, nhưng trước tiên chúng tôi phải ưu tiên đảm bảo kế hoạch quốc phòng nội địa trước”.
Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky luôn hối thúc nguồn viện trợ quân sự nước ngoài và coi đây là động lực để chống lại Nga. |
Trong khi đó, phía Ukraine đã liên tục gửi yêu cầu viện trợ thêm vũ khí, đặc biệt là các loại vũ khí công nghệ cao, đắt tiền như tổ hợp tên lửa phòng không từ Italia. Trong cuối tháng 10/2022, Tổng thống Ukraine Volodimyr Zelensky đã đưa ra danh sách một loạt vũ khí hiện đại cần có để đối đầu với Quân đội Nga, trong đó có đề nghị gửi tới Rome.
Thực tế là, Quân đội Italia còn không có đủ các tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại để bảo vệ lãnh thổ nên việc phải chia sẻ hay viện trợ chúng.
Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia Alexei Podberezkin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính trị-quân sự Liên bang Nga nhận định: “Sự thay đổi quyết định của Rome thể hiện họ đang quan tâm hơn tới lợi ích quốc gia thay vì một cuộc chiến ở đâu đó không có ý nghĩa sát sườn. Họ vẫn tuân thủ chính sách của EU, nhưng không muốn tham gia trực tiếp vào xung đột và viện trợ vũ khí đi ngược lại mong muốn đó. Rome đã cảm thấy tới mức giới hạn”.
Theo lời ông A. Podberezkin, xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở Đức, Pháp, Hà Lan và Đan Mạch. Các quốc gia châu Âu đang phải tập trung nguồn lực để đối phó với vấn đề thiếu năng lượng trong mùa đông năm nay hơn là phải móc hầu bao chi tiền cho một cuộc chiến ủy nhiệm ở đâu đó.
Thực tế đang diễn ra tại Italia, khi quốc gia Nam Âu này đang phải đối phó với tình trạng giá năng lượng tăng phi mã và nguồn lực xã hội đang cạn kiệt.
“Chúng ta thực sự đang trong thời kỳ rất khó khăn”, Bộ trưởng Quốc phòng Italia tuyên bố và khẳng định việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Italia.
Nguồn viện trợ từ bên kia bờ đại dương đang giảm xuống
Hiện tại, EU và Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Mới đây nhất, Mỹ đã thông qua gói viện trợ trị giá 400 triệu USD để cung cấp đạn rocket của tổ hợp phòng không Hawk, pháo phản lực HIMARS, xe bọc thép, súng phóng lựu và vũ khí bộ binh.
Tuy nhiên, có một chi tiết khá thú vị là Washington chỉ có kế hoạch cung cấp cho Kiev khoảng 21.000 đơn vị đạn pháo cỡ 155mm, thay vì 75.000 đơn vị như ở đầu cuộc chiến. Trong khi đó, trên chiến trường Ukraine, pháo binh là thứ vũ khí quan trọng đối với Quân đội Ukraine.
Tạp chí The National Interest của Mỹ đánh giá: “Những nỗ lực viện trợ quân sự của Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho Ukraine đã làm bộc lộ 2 vấn đề an ninh quốc gia nghiêm trọng của Mỹ. Đầu tiên, Lầu Năm góc không có đủ đạn dược cần thiết và các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ không được chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột quy mô lớn, khi nhu cầu về vũ khí và đạn dược tăng đột biến… Thực tế là sự thiếu hụt này đã kéo dài nhiểu thập kỷ do ngành công nghiệp quốc phòng được rót vốn đúng mức”.
Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal đưa ra một thông tin thú vị là khoảng 100.000 đơn vị đạn pháo 155mm mua từ Hàn Quốc là để lấp đấy kho đạn dược của Quân đội Mỹ vốn bị suy giảm đáng kể do cuộc chiến tại Ukraine. Điều này cũng tương tự đối với dòng tên lửa chống tăng Javelin.
Trước yêu cầu của Ukraine về các loại vũ khí hiện đại như UAV, máy bay chiến đấu hay tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại, Tổng thống Mỹ đã khẳng định, Washington sẽ không chuyển giao các loại vũ khí công nghệ cao như vậy để “tránh leo thang xung đột thành Thế chiến 3”. Cùng với đó, Mỹ cũng từ chối cung cấp cho Ukraine loại vũ khí tấn công tầm xa như tên lửa chiến thuật ATACMS có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ nước Nga.
Nếu cuộc chiến còn leo thang, quân đội Ukraine có thể đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược khi ngành công nghiệp quốc phòng nội địa cơ bản đã bị phá hủy trong xung đột và phụ thuộc vào nguồn vũ khí viện trợ. |
Cùng với đó, giới chức quân sự Mỹ cũng lo ngại về khả năng lộ bí mật quân sự khi các loại vũ khí công nghệ cao này có thể rơi vào tay Nga hoặc tính năng chiến đấu của chúng sẽ bị “bóc mẽ”, không giống như quảng cáo. Điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu vũ khí của Mỹ trong tương lai.
Năng lực sản xuất đã tới hạn
Với việc chiến sự tại Ukraine ngày càng leo thang, các quốc gia phương Tây và Mỹ đang lo lắng về nguy cơ cạn kiệt kho vũ khí do khả năng sản xuất không tương xứng với nguồn viện trợ cho Ukraine.
"Tôi nghĩ nhiều quốc gia đang khá lo lắng. Việc viện trợ cho Ukraine cần được điều chỉnh", một quan chức NATO giấu tên chia sẻ với Tạp chí Foreign Policy
NATO đang thảo luận về cách giúp đỡ các quốc gia trong khối về việc đảm bảo dự trữ vũ khí ở mức cần thiết và duy trì năng lực phòng thủ quốc gia.
Tạp chí Foreign Policy lưu ý, phương Tây và Mỹ trong Chiến tranh Lạnh có lượng dự trữ vũ khí và các nguồn nguyên liệu cần thiết để sản xuất quy mô lớn phòng trường hợp xảy ra chiến tranh với Liên Xô. Sau sự tan rã của Liên Xô, NATO bắt đầu giảm lượng dự trữ và chuyển sang vũ khí công nghệ mới.
"NATO không có sự chuẩn bị cho một cuộc chiến quy mô như vậy (xung đột ở Ukraine) với việc sử dụng số lượng rất lớn xe tăng và đạn dược", ông Frederick Kagan, Cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp quốc phòng Mỹ chia sẻ.
Mỹ và phương Tây hiện đang hối thúc các Tổ hợp công nghiệp quốc phòng tăng cường năng lực sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề này khó có thể giải quyết trong ngày một, ngày hai và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn viện trợ vũ khí cho Ukraine trong thời gian tới.