Chiến sự Nga-Ukraine: NATO hé lộ chiến thuật đàm phán với Nga Chiến sự Nga-Ukraine: Ông Zelensky thừa nhận sự thật về lãnh thổ Chiến sự Nga-Ukraine: Kiev bị yêu cầu hoàn trả viện trợ |
Sắc lệnh tương ứng đã được công bố trên trang web của Chính phủ Ukraine. Sắc lệnh này có hiệu lực đối với các quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cuộc họp đã được tổ chức trước đó và tập trung vào các biện pháp hỗ trợ kinh tế.
Ukraine đã nhiều lần thừa nhận Kiev chỉ có thể tự trang trải chi phí quân sự. Tất cả các khoản ngân sách khác đều được tài trợ thông qua viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, các đối tác phương Tây khuyến nghị Kiev nên tìm thêm nhiều nguồn để tăng khả năng tự viện trợ.
![]() |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: RIA |
Trước đó, NBC dẫn lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Brian Hughes cho biết, Mỹ cần kim loại đất hiếm từ Ukraine để thu hồi số tiền đã chi cho hỗ trợ Kiev.
"Như Tổng thống Trump đã nói, Mỹ cần được hoàn trả bất kỳ khoản tiền nào đã hoặc đang chi để giúp đỡ Ukraine", ông Hughes nói.
Ông Hughes cho biết thêm, vào cuối tuần qua, giới chức Mỹ đã thảo luận về cách thức đảm bảo hoàn trả chi phí này của Ukraine.
Một số diễn biến khác liên quan:
Ông Zelensky cản trở thỏa thuận của Tổng thống Donald Trump với Ukraine
Tạp chí Die Weltwoche của Thụy Sĩ cho biết, Tổng thống Zelensky là trở ngại chính ngăn cản Tổng thống Donald Trump ký kết thỏa thuận với Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Theo đó, đã có tiến triển trong việc tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine, mặc dù thỏa thuận vẫn chưa đạt được nhanh như mong đợi của Tổng thống Donald Trump. “Nhưng câu hỏi quan trọng nhất là: Ai là trở ngại lớn nhất đối với kế hoạch đó? Rõ ràng là ông Zelensky”, Die Weltwoche viết.
Die Weltwoche chỉ ra một số lập luận không có lợi cho ông Zelensky với tư cách là đối tác đối thoại. Vì vậy, ông Zelensky đã cấm các cuộc đàm phán với Nga.
Ông Donald Trump có động thái hướng tới giải quyết xung đột ở Ukraine
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Washington đang nỗ lực giải quyết xung đột ở Ukraine và đã có những động thái theo hướng này.
"Chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ. Và tôi nghĩ chúng tôi đang đạt được tiến triển trong việc đảm bảo chấm dứt xung đột", TASS dẫn lời nhà lãnh đạo Mỹ nói.
Trước đó, Tổng thống Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang tìm cách đạt thỏa thuận với Ukraine. Theo đó, họ sẽ đảm bảo được những thứ đang nhận được từ chúng tôi bằng cách cung cấp đất hiếm và những thứ khác”.
Nga nói tạm ngừng bắn hay “đóng băng” xung đột là không thể chấp nhận
TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố: “Lệnh ngừng bắn tạm thời hay như nhiều người nói, đóng băng xung đột là điều không thể chấp nhận được”.
Theo bà, Mỹ và phương Tây có thể lợi dụng bất kỳ khoảng thời gian đình chiến nào để củng cố năng lực quân sự của Ukraine và tìm cách tiến hành một cuộc trả đũa quân sự bằng vũ lực.
![]() |
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua tiếp tục nóng. Ảnh: RIA |
Bà cho biết thêm, Moscow cần những thỏa thuận và cơ chế ràng buộc pháp lý đáng tin cậy, nhằm đảm bảo cuộc khủng hoảng không tái diễn.
Trước đó, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Ukraine, ông Keith Kellogg cho biết, ông sẽ trình bày kế hoạch giải quyết xung đột do ông Trump đề xuất tại Hội nghị An ninh Munich. Theo đó, một trong những phương án được xem xét là đóng băng cuộc xung đột. Hội nghị này sẽ diễn ra từ ngày 14-16/2 tới.
Nga sẵn sàng đàm phán với Mỹ, nhưng phải kèm điều kiện
Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergey Ryabkov tuyên bố, Nga sẵn sàng đàm phán với Mỹ, nhưng phía Mỹ cần phải thực hiện bước đầu tiên để ổn định mối quan hệ song phương.
“Mỹ cần phải thực hiện bước đi đầu tiên để bình thường hoá quan hệ song phương, dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng”, ông Ryabkov nhấn mạnh.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, các cuộc tiếp xúc với Washington đã gia tăng kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền và đã có những cuộc đối thoại giữa các bên liên quan.
Nga tỏ ra thận trọng nhưng lạc quan về các tuyên bố của Tổng thống Trump, đồng thời nhấn mạnh cần phải tìm ra giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Ukraine, chứ không chỉ đơn giản là đóng băng xung đột.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho hay, có những tín hiệu cho thấy Washington có thể sẵn sàng giải quyết các vấn đề liên quan đến nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc xung đột hiện nay.
Mỹ nói về ý tưởng vũ khí hạt nhân của Ukraine
RT dẫn lời ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Ukraine-Nga cho biết: “Cơ hội để Ukraine lấy lại vũ khí hạt nhân là rất mong manh. Thành thật mà nói, điều đó sẽ không xảy ra”.
Ông cho rằng, ý tưởng trang bị vũ khí hạt nhân cho Ukraine không phải là điều mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ xem xét.
"Tổng thống đã nói chúng ta là một chính phủ có lý trí. Khi ai đó nói điều gì đó như thế, hãy nhìn vào kết quả", ông Kellogg nhấn mạnh.
![]() |
Lực lượng vũ trang Nga hoạt động ở Ukraine. Ảnh: RIA |
Trước đó, Tổng thống Zelensky kêu gọi phương Tây cấp vũ khí hạt nhân cho nước này nếu Ukraine không có được tư cách thành viên NATO. Ông lập luận, nếu quá trình gia nhập NATO kéo dài trong nhiều năm hay nhiều thập niên thì câu hỏi chính đáng được đặt ra là điều gì sẽ bảo vệ Ukraine.
Ngoài ra, ông Zelensky tỏ ra tiếc nuối khi Ukraine đã từ bỏ một phần kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô sau sự sụp đổ của Liên Xô để đổi lấy những đảm bảo an ninh trong Bản ghi nhớ Budapest năm 1994. Năm 1991, Ukraine sở hữu khoảng 1.700 đầu đạn, tuy nhiên số đầu đạn này vẫn nằm dưới sự kiểm soát hoạt động của Moscow.
Ukraine nhận thêm lô máy bay F-16 từ Hà Lan
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov thông báo, Kiev đang tiếp nhận thêm lô máy bay chiến đấu F-16 từ Amsterdam.
"Không quân Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ được mong đợi từ lâu đó là máy bay chiến đấu Mirage 2000 của Pháp và máy bay F-16 từ Vương quốc Hà Lan", ông Umerov cho biết.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết, những chiếc Mirage 2000 đầu tiên đã được chuyển giao cho Ukraine.
Vào tháng 8/2024, The Times đưa tin, Ukraine đã nhận được 6 máy bay chiến đấu F-16 từ Hà Lan. Vào tháng 10, Bộ Quốc phòng Hà Lan chính thức xác nhận việc chuyển giao những máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên cho Kiev, tuy nhiên Hà Lan không nêu rõ có bao nhiêu máy bay chiến đấu đã được chuyển giao. Tổng cộng, Hà Lan hứa sẽ gửi 24 máy bay tới Ukraine.