Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Mỹ từng có lúc nghĩ Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine
Kênh truyền hình CNN dẫn dữ liệu công bố trong cuốn sách mới của nhà báo Bob Woodward cho hay, chính quyền Tổng thống Biden vào mùa thu năm 2022 cho rằng, xác suất Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là 50%.
“Woodward viết rằng, tại một thời điểm nào đó, nhóm phụ trách an ninh quốc gia của Tổng thống Biden tin là có nguy cơ thực sự, với xác suất 50% rằng Tổng thống Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine”, bản tin của kênh truyền hình cho biết.
Được biết, vào thời điểm đó, Tổng thống Biden đã chỉ thị cho cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan liên lạc với Nga qua tất cả các kênh. Vào tháng 10/2022, đã diễn ra cuộc nói chuyện căng thẳng qua điện thoại giữa người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là Sergei Shoigu.
Tuy nhiên, kết quả những cuộc điện đàm sau đó là ông Shoigu cảnh báo ông Austin rằng, Kiev có kế hoạch sử dụng bom bẩn, nhưng người đồng cấp Mỹ cho biết Washington không thấy có dấu hiệu nào về điều này.
“Đó có lẽ là khoảnh khắc gây sốc nhất trong toàn bộ cuộc chiến”, CNN dẫn lời quan chức cấp cao Lầu Năm Góc Colin Kahl nói.
Ukraine hủy hội nghị hòa bình
Bà Darya Zarivna - trợ lý cấp cao của Tổng thống Ukraine cho biết, Kiev không còn lên kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình thứ hai về chấm dứt xung đột với Nga.
"Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai sẽ không diễn ra vào tháng 11" - bà Zarivna nói.
Ukraine hủy hội nghị hòa bình. Ảnh: RIA |
Theo bà, công tác chuẩn bị cho hội nghị hòa bình vào thời điểm khác đang được tiếp tục với các cuộc họp chuyên đề được tổ chức riêng cho từng điểm trong kế hoạch hòa bình để chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện.
Bà cho hay, cuộc họp chuyên đề cuối cùng nhằm giải quyết các vấn đề nhân đạo sẽ diễn ra tại Canada vào cuối tháng 10.
Hungary hoãn thông qua khoản vay khẩn cấp cho Ukraine
Hungary tuyên bố hoãn việc thông qua một thỏa thuận cuối cùng liên quan đến khoản vay khẩn cấp trị giá 50 tỷ USD dành cho Ukraine. Khoản vay này đã được Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) nhất trí hồi tháng 6 và Liên minh châu Âu (EU) tham gia hỗ trợ để tiếp tục cung cấp tài chính cho Ukraine.
Bộ trưởng Tài chính Hungary Varga xác nhận, Hungary muốn chờ kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, sau đó, sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về thỏa thuận liên quan đến khoản vay khẩn cấp trị giá 50 tỷ USD dành cho Ukraine. Hungary cho rằng, quyết định gia hạn lệnh trừng phạt của EU đối với tài sản đóng băng của Nga nên được đưa ra sau sự kiện chính trị lớn này tại Mỹ.
Dự án khoản vay khẩn cấp trị giá 50 tỷ USD dành cho Ukraine được G7 nhất trí hồi tháng 6 vừa qua. Theo đó, các nước phương Tây sẽ đứng ra cho Ukraine vay tiền, và lợi nhuận thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga sẽ được dùng để hoàn trả khoản vay này. Hiện tại, hơn 60% tài sản của Nga bị đóng băng đang nằm ở EU. Số tài sản này lên tới 210 tỷ Euro (khoảng 239 tỷ USD).