Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Ukraine mất hơn 500 chuyên gia
Nguồn tin quân sự cấp cao tiết lộ với tờ Izvestia của Nga rằng, lực lượng vũ trang Ukraine đã mất tới 500 chuyên gia trong cuộc tấn công của Nga vào Poltava.
“Hậu quả của cuộc tấn công là khoảng 500 chuyên gia đã thiệt mạng và bị thương. Trong số những người chết và bị thương có quân nhân của lực lượng vũ trang Ukraine và lực lượng vệ binh quốc gia”, nguồn tin chia sẻ.
Ngoài ra, nguồn tin lưu ý, lính đánh thuê từ Ba Lan, Pháp, Đức và Thụy Điển huấn luyện quân đội Ukraine cũng bị tiêu diệt. Các cuộc tấn công vào các vị trí của Ukraine được thực hiện vào ngày 28/8, ngày 3-4-5/9. Tất cả các cuộc tấn công đều thành công.
Ông Zelensky tiếc vì không thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga
Tổng thống Zelensky mới đây đã bày tỏ tiếc nuối vì Ukraine không thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Theo ông Zelensky, vũ khí tầm xa mà các đối tác Ukraine cung cấp có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách khoảng 200 km. Điều này còn ít hơn khoảng cách mà người đứng đầu Bộ Ngoại giao Italia, Antonio Tajani đã đề cập.
Ukraine nói kiểm soát 1.300km2 lãnh thổ Nga. Ảnh: Sputnik |
“Khi chúng ta nói về việc Italia hoặc bất kỳ ai khác lo sợ rằng chúng tôi sẽ tấn công Điện Kremlin, tôi ước có thể làm điều đó”, ông Zelensky nhấn mạnh.
Trước đó, Ngoại trưởng Tajani cho biết, Italia phản đối việc vũ khí phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Tương lai của Ukraine nếu ông Trump thắng cử
Theo giới chuyên gia châu Âu, các nước châu Âu có thể chia thành 2 phe về vấn đề hỗ trợ Ukraine và các nước Tây Âu có thể buộc Kiev phải nhượng bộ đáng kể với Nga nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Theo ông Phillips O'Brien, người đứng đầu trường quan hệ quốc tế và giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews cho rằng, nếu ông Trump một lần nữa trở thành người đứng đầu của Nhà Trắng, NATO có thể mất đi sự lãnh đạo quân sự của Mỹ.
“Các thủ đô châu Âu có thể nhanh chóng đọ sức với nhau về Ukraine. Ví dụ, các nước ở Trung và Đông Âu có thể tăng gấp đôi cam kết đối với sự sống còn của Ukraine. Trong khi nhiều nước Tây Âu có thể quyết định nếu Mỹ đứng ngoài cuộc chơi, thì lựa chọn tốt nhất sẽ là buộc Ukraine phải nhượng bộ đáng kể trước Nga”, giới chuyên gia nhận định.
Iran không cung cấp vũ khí cho các bên xung đột
Phái đoàn Thường trực Iran tại Liên hợp quốc cho biết, Iran không cung cấp vũ khí cho các bên tham gia xung đột, kể cả ở Ukraine, đồng thời kêu gọi tất cả các nước noi theo tấm gương của nước này.
“Lập trường của Iran liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine vẫn không thay đổi. Iran coi việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho các bên liên quan đến cuộc xung đột là vô nhân đạo, điều này dẫn đến thương vong gia tăng, phá hủy cơ sở hạ tầng và ngày càng rời xa các cuộc đàm phán ngừng bắn. Như vậy, Iran không chỉ kiềm chế tham gia vào các hành động như vậy mà còn kêu gọi các nước khác ngừng cung cấp vũ khí cho các bên liên quan đến cuộc xung đột”, phái đoàn Thường trực Iran nói.
Trước đó, tờ Wall Street Journal đã đăng bài viết dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu giấu tên trong đó khẳng định Iran bị cáo buộc cung cấp tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga.
Ukraine nói kiểm soát 1.300km2 lãnh thổ Nga
Tổng thống Zelensky tiết lộ, lực lượng Ukraine đang kiểm soát 1.300km2 lãnh thổ trên hơn 100 khu định cư ở Kursk.
"Một phần đáng kể vùng lãnh thổ này đã bị quân đội Nga bỏ lại. Họ chỉ đơn giản là bỏ chạy khi thấy lực lượng của chúng tôi tiến đến", ông Zelensky nói.
Trước đó, hôm 27/8, tướng Oleksandr Syrskyi, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, cũng xác nhận kể từ khi bắt đầu chiến dịch ở Kursk thuộc Nga, Ukraine đã bắt giữ 594 binh sĩ Nga và kiểm soát hơn 100 khu định cư, tương đương 1.294 km2.
Theo ông Zelensky, cuộc tấn công vào Kursk là một nỗ lực nhằm đưa chiến tranh đến lãnh thổ Nga, buộc Tổng thống Putin phải đàm phán hòa bình và tạo ra vùng đệm để ngăn chặn các cuộc tấn công của Moscow vào khu vực Sumy lân cận ở Ukraine.
Phương Tây tiếp tục viện trợ Ukraine
Nhóm liên lạc phòng thủ Ukraine, liên minh nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga, đã tổ chức cuộc họp lần thứ 24 tại căn cứ không quân Ramstein (Đức). Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu tiên có mặt tham dự trực tiếp.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo, Washington sẽ cung cấp cho Kiev gói viện trợ quân sự mới trị giá 250 triệu USD nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng của Ukraine. Số vũ khí gồm tên lửa phòng không, đạn pháo và rốc két...
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey công bố gói viện trợ trị giá 162 triệu bảng Anh, gồm 650 tên lửa đa nhiệm hạng nhẹ (LMM) để giúp tăng cường năng lực phòng không của Ukraine. Tên lửa có tốc độ Mach 1.5 (1.837 km/giờ), tầm bắn hơn 6 km, có thể được phóng từ nhiều hệ thống và ngăn chặn nhiều mối đe dọa trên không lẫn trên bộ, trên mặt nước.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho hay, Berlin sẽ cung cấp thêm 12 khẩu lựu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 cho Kiev. Số vũ khí này sẽ được mua từ các nhà sản xuất thay vì lấy từ kho của quân đội Đức. Ông Pistorius còn tiết lộ, Đức, Đan Mạch và Hà Lan sẽ sớm cùng nhau cung cấp 77 xe tăng Leopard 1A5 cho Ukraine.