Theo đánh giá của các kênh thạo tin theo dõi xung đột tại Ukraine, đặc biệt là tại chiến trường Bakhmut, về cơ bản thị trấn chiến lược này đã thuộc quyền kiểm soát của Nga. Những đơn vị phòng thủ Ukraine còn lại đang chống đỡ trong vô vọng, bất chấp sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Lục quân Ukraine, tướng Sirsky.
Những bước tiến vững chắc của Wagner đã tại Bakhmut đã đánh dấu sự đổi chủ của vị trí chiến lược này |
Sau sự kiện một binh sĩ Wagner bị bắt giữ và sát hại được ghi hình trực tiếp khiến các cuộc tấn công bằng pháo phản lực nhiệt áp "Solntsepeka" và tên lửa hạng nặng sẽ trở nên thường xuyên hơn, khiến cho lực lượng phòng thủ Ukraine có ít cơ hội thoát thân.
Cùng với đó, các đơn vị Ukraine đóng tại Konstantinovka, Chasovoy Yar, Slavyansk và Kramatorsk đều không muốn ra tiền tuyến. Đó là lý do tại sao nội bộ nhóm quân Ukraine thường xuyên xảy ra mâu thuẫn về chỉ huy. Vì vậy, ở Chasov Yar và Konstantinovka, nhiều quân nhân Ukraine, những người được lệnh giữ Bakhmut cho đến ngày 9/5, để ngăn người Nga "làm nên chiến thắng từ sự đầu hàng của thị trấn", đã từ chối tham chiến.
Liên quan tới xung đột tại Ukraine, tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, cho biết Washington không muốn chiến tranh với Nga, nhưng khả năng xung đột Ukraine leo thang là có thể và hậu quả một cuộc chiến giữa Nga và Mỹ sẽ thảm khốc cho cả 2 phía.
Ông M. Milley đưa ra bình luận trên trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Foreign Affairs (Mỹ) hôm 2/5.
Ông M. Milley nói: "Tôi nghĩ, việc không leo thang căng thẳng là vì lợi ích của các bên. Nga không muốn chiến tranh với NATO hoặc Mỹ, còn Mỹ và NATO không muốn chiến tranh với Nga. Ukraine cũng không muốn quy mô chiến tranh lớn như vậy trên lãnh thổ của mình".
Tuy nhiên, tướng M. Milley cũng nhận xét rằng "khả năng leo thang căng thẳng là nhãn tiền".
Khi được hỏi về cuộc phản công của Ukraine, ông Milley nói với tờ Foreign Affairs rằng Mỹ và các đồng minh NATO ở châu Âu đã giúp Ukraine đào tạo và trang bị vũ khí hợp thành cho 9 lữ đoàn, các lực lượng thiết giáp và bộ binh cơ giới trong vài tháng qua cũng như một số lực lượng bộ binh hạng nhẹ. Theo tướng M. Milley, nỗ lực chiến đấu của quân đội Ukraine ít khả năng xác định rõ bên chiến thắng trong năm 2023, và việc đàm phán có thể xảy ra trong 1-2 năm nữa.
Sau khi đợt không kích dữ dội của Nga qua đi, nhiều chuyên gia quân sự nhận định, hành động trên của Moscow là nhằm “tiên hạ thủ vi cường” trước khả năng Ukraine có thể tổ chức phản công trong vài ngày tới.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, ngày 1/5, Moscow đã tiến hành cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn nhằm vào ngành công nghiệp quân sự Ukraine, làm gián đoạn việc sản xuất vũ khí và đạn dược của nước này.
"Lực lượng Vũ trang Nga đã tiến hành cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn bằng vũ khí chính xác tầm xa được phóng từ trên không và trên biển nhằm vào tổ hợp quân sự - công nghiệp của Ukraine", Bộ Quốc phòng Nga thông báo, đồng thời cho biết tất cả mục tiêu được chỉ định đều bị nhắm trúng.
Những cuộc tấn công trên là các cuộc không kích chính xác trên quy mô lớn đầu tiên của Nga ở Ukraine trong nhiều tuần qua. Trong cuối năm 2022, Nga đã tiến hành chiến dịch không kích diện rộng nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Các nước phương Tây sau đó đã phản ứng bằng cách hỗ trợ cho Ukraine các hệ thống phòng không hiện đại.
Các cuộc tấn công mới của Nga có thể là dấu hiệu cho thấy không chỉ Kiev mà Moscow cũng đang chuẩn bị cho cuộc phản công của Ukraine.
Ukraine không công khai thời điểm tiến hành chiến dịch, nhưng các quan chức nước này đều khẳng định họ đã sẵn sàng cho kế hoạch trên. Kiev dường như cũng tăng cường tấn công vào các lãnh thổ Nga kiểm soát, trong đó có vụ nổ kho chứa dầu ở Crimea cuối tuần trước.
Nga đang sử dụng sức mạnh không quân để tiêu hao lực lượng Ukraine có thể sử dụng trong phản công |
Bà Hanna Shelest, học giả tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu cho rằng, dựa trên những hành động của Moscow trong những tuần gần đây chứng minh Nga thực sự sẵn sàng cho cuộc phản công.
Theo bà Hanna Shelest, những cuộc tấn công gần đây có thể là phép thử của Nga với hệ thống phòng không Ukraine và là nỗ lực của Moscow nhằm xác định vị trí của các hệ thống này trước thềm cuộc phản công của Kiev.
Trước đó, một quan chức Ukraine cho biết, chiến đấu cơ Nga hiện không còn ở ngoài tầm hoạt động của các hệ thống phòng không của Ukraine.
Thay vào đó, chúng tiến vào các vùng không phận giao tranh để khiêu khích hệ thống phòng không của Ukraine tấn công, từ đó xác định được vị trí các hệ thống này. Nói cách khác, chiến đấu cơ Nga chấp nhận rủi ro để làm tiêu hao các hệ thống phòng không của Kiev.
Vào giữa tháng 4/2023, các thành phần đầu tiên của tổ hợp phòng không Patriot đã đến tay Ukraine sau khi các lực lượng của nước này được đào tạo nhanh về cách sử dụng chúng. Phương Tây đã cung cấp cho Ukraine cả các hệ thống phòng không khác, trong đó có NASAMS do Mỹ sản xuất.
Theo đánh giá từ tài liệu mật bị rò rỉ của Lầu Năm Góc, trong suốt cuộc xung đột, Ukraine chủ yếu dựa vào các hệ thống vũ khí thời Liên Xô và kho tên lửa sử dụng cho hệ thống này đang ở mức thấp nguy hiểm.
Mỹ và đồng minh đã cung cấp thêm các hệ thống phòng không cho Ukraine, nhưng Nga, quốc gia vốn sở hữu số lượng không hạn chế tên lửa chính xác tầm xa, có lẽ sẽ tìm ra những điểm yếu của các hệ thống này và khai thác chúng khi Ukraine tiến hành cuộc phản công.