Chiến sự Nga-Ukraine 23/1: Quan chức Nga cảnh báo “thảm họa toàn cầu”, Ukraine thừa nhận khó khăn ở miền Đông |
Trong buổi phát biểu trực tuyến, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky thừa nhận việc Mỹ và phương Tây viện trợ khoảng vài chục xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại không đủ để xoay chuyển thế trận chiến trường đang bất lợi cho Kiev hiện tại.
Đăng trên trang Telegram cá nhân, ông V. Zelensky nhấn mạnh: “Khi phải đối đầu với Quân đội Nga có hàng nghìn xe tăng, không quốc gia nào quyết định viện trợ cho chúng tôi 10, 20 hay 50 xe tăng có thể giúp giải quyết vấn đề”. Theo nhà lãnh đạo Ukraine, việc viện trợ xe tăng hiện tại đóng vai trò nâng cao tình thần chiến đấu trên thực địa của các binh sĩ Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Ukraine đã lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Đức Olaf Scholz thiếu quyết đoán trong vấn đề viện trợ phương tiện chiến đấu hạng nặng cho Ukraine: “Ông ấy đã không thể làm gì giống như điều họ đã đề cập trước đó. Họ lại đẩy sự lựa chọn cho phía Mỹ”. Cùng với đó, Đức sẽ chỉ viện trợ xe tăng trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác của NATO và với Mỹ.
Tình hình chiến sự đang ngày càng bất lợi đối với Ukraine tại miền Đông. Ảnh: Getty. |
“Nếu họ không có ý chí chính trị để giải quyết vấn đề này, thì không nhất thiết phải tìm kiếm lời bào chữa. Chúng tôi cần những người nói được làm được, chứ không phải ai đó đưa ra lời bào chữa rằng chúng tôi chưa sẵn sàng”, ông V. Zelensky nhấn mạnh.
Theo Menadefence, trong ngày 32/1, Morocco đã chuyển giao hàng chục xe tăng cũ cho Ukraine. Đó là khoảng 20 xe tăng T-72B sản xuất dưới thời Liên Xô. Chúng sẽ được chuyển tới Czech nâng cấp, trước khi bàn giao lại cho Quân đội Ukraine.
Tuần trước, Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, bao gồm 59 xe chiến đấu bộ binh Bradley với 590 tên lửa chống tăng TOW và 90 xe bọc thép chở quân Stryker. Ngoài ra, Kiev sẽ nhận được 53 xe bọc thép có khả năng chống mìn MRAP và 350 xe bọc thép hạng nhẹ HMMWV (Humvee).
Tuy nhiên, Washington vẫn chưa nói về việc chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams. Phó phát ngôn viên Lầu năm góc Sabrina Singh giải thích việc viện trợ xe tăng Abrams không mang lại bất kỳ ý nghĩa gì ở thời điểm hiện tại. Trái lại vấn đề bảo dưỡng và chi phí vận hành cao không phù hợp với Kiev ở thời điểm hiện tại.
Trong khi những lời viện trợ xe tăng và phương tiện chiến đấu hạng nặng đang trở nên xa vời, thì Quân đội Nga liên tục được bổ sung phương tiện chiến đấu mới với nguồn cung gần như không có giới hạn. |
Ngày 22/1, Ngoại trưởng Đức Annalena Burbock cho biết Berlin sẽ không can thiệp nếu Ba Lan cung cấp xe tăng Leopard do Đức sản xuất cho Ukraine. Bà lưu ý rằng cho đến nay Warsaw vẫn chưa yêu cầu phê duyệt việc giao hàng. “Nhưng nếu chúng tôi được yêu cầu, chúng tôi sẽ không ngăn cản”, bà Annalena Burbock nói.
Chính quyền Pháp cũng đang xem xét gửi xe tăng Leclerc tới Ukraine. Tuy nhiên, cho đến nay, Paris mới chỉ thông báo về việc giao xe tăng trinh sát bánh lốp hạng nhẹ AMX 10-RC.
Về tình hình chiến sự tại miền Đông, quân đội Nga cho biết đã thực hiện hơn 160 vụ tấn công bằng hỏa lực nhằm vào các vị trí đóng quân của phía Ukraine.
Oleksandr Starukh, thống đốc của khu vực tuyên bố trên Telegram rằng: “Trong ngày qua, đạn pháo của Nga đã bao phủ 21 thị trấn và làng mạc của vùng Zaporizhzhia. Chúng tôi đã sống sót sau 166 vụ pháo kích. 18 ngôi nhà đã bị phá hủy".
Trong khi đó, tình hình tại nhà máy điện hạt nhân do Nga nắm giữ trong khu vực đang trở nên tồi tệ hơn, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết.
“Tình hình thực sự đang xấu đi. Giao tranh đang biến nhà máy thành đồ bỏ đi", ông Galushchenko nói trên truyền hình Ukraine.
Công nhân Ukraine vẫn ở lại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sau khi nó bị lực lượng Nga kiểm soát hồi tháng 3/2022. Nhà máy khổng lồ này đã nhiều lần gây lo ngại vì có khả năng xảy ra thảm họa hạt nhân khi các cuộc giao tranh ác liệt diễn ra xung quanh nó. Các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc đã đến thăm nhà máy vào tháng 9/2022 và nhận thấy tình hình "bấp bênh" ở đây.
Energoatom, công ty năng lượng hạt nhân của Ukraine cáo buộc, các lực lượng Nga tiếp tục xây dựng các công sự quân sự tại nhà máy. Còn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc cũng đã làm việc để thiết lập một vùng an toàn xung quanh nhà máy.
“Khi cuộc chiến bi thảm này bước sang năm thứ hai, chúng ta phải tiếp tục làm mọi thứ có thể để ngăn chặn nguy cơ xảy ra một vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng có thể gây ra nhiều đau khổ và hủy diệt hơn nữa cho người dân Ukraine”, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano cho biết trong một tuyên bố mới nhất.