Thông tin chiến sự
Chiến trường vẫn leo thang. Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết, trong ngày qua các lực lượng Nga đã 2 lần dội tên lửa, 13 lần không kích và 32 lần khai hoả các hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS) vào các vị trí tập kết quân cũng như các thị trấn và làng mạc của Ukraine.
Theo phía Ukraine, khoảng 85 cuộc giao tranh diễn ra trên khắp các chiến tuyến, trong đó lực lượng Ukraine đẩy lùi 54 cuộc tấn công ở 2 chiến trường chính là Avdiivka và Lyman. “Lực lượng phòng vệ Ukraine đã triển khai máy bay quân sự đánh vào các cụm nhân lực, vũ khí và thiết bị quân sự của quân Nga”, Bộ Tổng tham mưu thông báo.
Tình hình mặt trận ở Ukraine rất khó khăn. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, tình hình hiện tại ở mặt trận Ukraine vô cùng khó khăn, không thể đánh giá thấp Nga.
Chiến sự Nga-Ukraine vẫn căng thẳng khắp các mặt trận miền Đông, Nam Ukraine |
“Tình hình ở mặt trận cực kỳ khó khăn. Nga đang tấn công và cuộc phản công mà Ukraine phát động vào mùa hè năm ngoái đã không mang lại kết quả như tất cả chúng ta mong đợi. Nga đang tấn công nghiêm túc. Chúng ta không nên đánh giá thấp Nga”, ông Stoltenberg nói.
Thành phố của Nga ban bố tình trạng khẩn cấp. Thị trưởng thành phố Voronezh của Nga, ông Alexander Gusev cho biết, quân đội Ukraine đã bắn khoảng 55 quả đạn vào tỉnh Belgorod trong ngày qua. “Khu vực này cũng bị UAV Ukraine tấn công vào sáng 16/1, khiến một số hạ tầng dân sự trong khu vực bị hư hại”, thông báo cho biết.
Trong khi đó, theo Bộ Quốc phòng Nga, trong ngày qua, lực lượng nước này đẩy lùi 6 cuộc tấn công của Ukraine tại Kupyansk, khiến đối phương tổn thất tới 160 binh sĩ và 2 xe tăng Leopard.
Một số diễn biến liên quan
Tổng thống Putin ra tuyên bố mới về chiến sự. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định cuộc phản công được quảng cáo rầm rộ của Ukraine, bắt đầu vào tháng 6/2023, đã “hoàn toàn thất bại” và Kiev có thể sớm phải chịu một đòn không thể khắc phục được.
Bên cạnh đó, nói về các cuộc đàm phán hòa bình có thể diễn ra, Tổng thống Putin cho biết, những ý tưởng do Ukraine đưa ra là “những công thức mang tính cấm đoán đối với tiến trình hòa bình”.
Đồng thời, Tổng thống Putin nhắc lại, đội ngũ đàm phán của Ukraine đã thừa nhận việc Kiev từng sẵn sàng đi tới một thỏa thuận với Moscow trong những tháng đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt, nhưng đã thay đổi ý định sau chuyến thăm của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson.
“Họ không phải là đồ ngốc sao? Nếu Ukraine không bị thuyết phục bởi ông Johnson thì cuộc xung đột đã sớm kết thúc. Điều này là minh chứng cho sự thiếu tự chủ của Kiev”, ông Putin nhấn mạnh.
Ông Zelensky thừa nhận không muốn đóng băng xung đột. Tổng thống Zelensky xác nhận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos rằng, ông không muốn đóng băng xung đột. Đồng thời, ông thừa nhận rằng ông đang nhận được câu hỏi về việc bắt đầu đàm phán với Nga.
“Liệu việc đóng băng cuộc chiến ở Ukraine có thể dẫn đến sự kết thúc xung đột không? Tôi không muốn chấp nhận sự thật rằng bất kỳ cuộc xung đột đóng băng nào cuối cùng cũng sẽ bùng phát trở lại”, ông Zelensky nói.
Ngoài ra, ông Zelensky lại yêu cầu lãnh đạo các nước phương Tây tăng cường áp lực trừng phạt đối với Nga, đồng thời chỉ trích họ đã khuyến khích Kiev xuống thang xung đột.
Ba Lan “hưởng lợi” từ xung đột ở Ukraine. Theo đó, các nhà thầu quốc phòng của Ba Lan đang trải qua thời kỳ bùng nổ đáng kể, mở rộng sản xuất, nâng cấp công nghệ và nhận được các khoản đầu tư lớn do cuộc xung đột ở Ukraine.
Các công ty Ba Lan đang tăng cường năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu cấp thiết. Các nguồn tin cho hay, nhà máy sản xuất vũ khí Lucznik ở Radom, đề ra kế hoạch sản xuất 100.000 khẩu súng trường mỗi năm.
Ngoài ra, nhà máy Radom cũng đang tiến hành hiện đại hóa, thay thế thiết bị cũ bằng máy móc mới và có kế hoạch mở rộng cơ sở sản xuất, mặc dù nhà máy còn khá mới.
Nghị viện châu Âu (EP) tranh cãi về việc hỗ trợ cho Ukraine. Các thành viên của EP đã dùng đến những lời khó nghe với nhau trong cuộc tranh luận xung quanh sự cần thiết phải hỗ trợ thêm cho Ukraine.
Theo đó, một số nghị sĩ châu Âu trong cuộc tranh luận tại phiên họp toàn thể của EP ở Strasbourg (Pháp) đã cáo buộc những người ủng hộ việc tiếp tục hỗ trợ quân sự là “ảo tưởng” và yêu cầu ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Thành viên Nghị viện châu Âu người Ireland Clare Daly cho biết: “Hiện nay, người ta đã công khai thừa nhận rằng cuộc chiến này có thể đã dừng lại trong những tháng đầu tiên nếu phương Tây không phủ quyết thỏa thuận hòa bình vào tháng 4”.
Phương Tây thận trọng với tài sản đóng băng của Nga. Bà Penny Pritzker, Đại diện đặc biệt của Mỹ về phục hồi kinh tế Ukraine, đã bày tỏ sự lạc quan về khả năng tái thiết Ukraine bằng tài sản đóng băng của Nga. Tuy vậy, Washington sẽ cần sự hợp tác của châu Âu để thực hiện kế hoạch này.
“Việc biến tài sản thuộc chủ quyền của Nga thành nguồn lực tài chính cho Ukraine khá phức tạp, cần sự tham gia của nhiều luật sư ”, bà Pritzker nói.