Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Ukraine rơi vào thế phải nhượng bộ với Nga
Tờ Spiegel của Đức dẫn lời một quan chức cấp cao của Kiev cho hay, tại Ukraine, họ bắt đầu thảo luận về kịch bản chấm dứt xung đột, theo đó Kiev sẽ từ bỏ lập trường cứng rắn trong việc lấy lại các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát.
Theo quan chức này, sẽ không thể chấm dứt xung đột nếu không nhượng bộ Moscow. Ông lưu ý, thỏa thuận này cũng sẽ có lợi cho Nga.
“Bất kể ai trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo, sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine sẽ giảm”, quan chức cấp cao Ukraine nói.
Ukraine không đủ khả năng phản công
Tờ Bild của Đức dẫn các nguồn tin cho hay, Bộ Quốc phòng Đức cho rằng, Kiev sẽ không thể tiến hành phản công trong thời gian tới và lực lượng vũ trang Đức không còn thiết bị quân sự hạng nặng để chuyển giao cho lực lượng vũ trang Ukraine.
“Bộ Quốc phòng Đức không tin Ukraine sẽ sớm có thể thực hiện cuộc phản công. Đồng thời, phía Đức sẽ không còn cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự cỡ lớn nữa”, Bild viết.
Nga tăng cường phản công ở Kursk. Ảnh: RIA |
Theo tài liệu nội bộ của Bộ Quốc phòng Đức, việc chuyển giao đã hoàn tất, do đó, xe tăng Leopard 2 sẽ không còn được cung cấp cho Kiev nữa, mặc dù quân đội Đức vẫn còn gần 300 thiết bị như vậy. Tình trạng tương tự cũng được áp dụng cho xe chiến đấu bộ binh và pháo tăng.
Đồng thời, tờ báo Đức gọi tuyên bố của Thủ tướng Scholz trong cuộc họp báo với Tổng thống Zelensky về hàng tỷ USD viện trợ mới cho Ukraine là điều đáng lo ngại.
“Tất cả số tiền và dự án do Thủ tướng nêu tên đã được phê duyệt và viện trợ vào năm ngoái”, Bild lưu ý.
Nga tăng cường phản công ở Kursk
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, Nga đã tăng cường phản công ở Kursk vào ngày 10 và 11/10 để cố gắng đẩy lùi lực lượng Ukraine trước khi điều kiện thời tiết xấu đi hạn chế khả năng cơ động của họ trên chiến trường.
"Các cuộc phản công tăng cường của Nga có thể nhằm mục đích đẩy lực lượng Ukraine ra khỏi Kursk trước khi điều kiện thời tiết xấu bắt đầu hạn chế hoạt động tác chiến trên mặt trận. Giới chức Ukraine trước đó lưu ý quân đội Nga đang đẩy mạnh các hoạt động tấn công ở Ukraine, đặc biệt là tấn công cơ giới, nhằm tận dụng đường sá và địa hình khô ráo trước khi mùa mưa làm đất mềm. Đồng thời hoạt động này của Nga nhằm chiếm lại toàn bộ Kursk", báo cáo của ISW cho hay.
ISW dự đoán các chỉ huy quân sự Nga có thể lo ngại điều kiện thời tiết xấu vào mùa thu năm 2024 và đầu mùa đông năm 2024-2025 sẽ khuyến khích hình thái chiến đấu theo vị trí ở Kursk và giúp lực lượng Kiev có thêm thời gian để củng cố vị trí tốt hơn.
NATO cân nhắc thay đổi chiến lược với Nga
Các bộ trưởng quốc phòng của NATO sẽ nhóm họp tại Brussels vào tuần tới để xem xét lại chiến lược quan hệ với Nga, vốn đã được NATO duy trì hàng thập kỷ.
Mặc dù mối quan hệ giữa NATO và Nga đã “chạm đáy” sau khi xung đột Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, nhưng chiến lược quan hệ với Moscow vẫn được duy trì.
Chiến lược được xây dựng năm 1997 nêu rõ Nga và NATO chia sẻ mục tiêu chung là "xây dựng châu Âu ổn định, hòa bình và không chia rẽ”. Tuy nhiên, tài liệu này hiện không còn phản ánh đúng tình hình thực tế.
Trong hội nghị thượng đỉnh tại Washington vào tháng 7, NATO đã coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các nước đồng minh”. Trong khi đó, Nga tiếp tục khẳng định rằng sự mở rộng về phía đông của NATO là “mối nguy hiểm hiện hữu” đối với nước này.