Chiến sự Nga-Ukraine 11/12: Quan chức Ukraine tuyên bố sẵn sàng tấn công vào lãnh thổ Nga |
Trong bài phát biểu thường kỳ vào tối 10/12, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky một lần nữa cáo buộc Nga "gây thảm họa" cho thành phố Odessa khi sử dụng 15 máy bay không người lái (UAV) Shahed tập kích vào thành phố miền Nam Ukraine trong đêm. Lực lượng phòng không Ukraine đã hoạt động tốt và bắn hạ 10 UAV Nga trong đợt tấn công.
Ukraine lại tiếp tục hứng chịu các đợt không kích từ Nga nhằm vào hệ thống năng lượng điện trong mùa đông lạnh giá. Ảnh: Lenta. |
Ông Volodymir Zelensky nhấn mạnh: "Tình hình ở vùng Odessa rất khó khăn. Sau cuộc tấn công vào ban đêm của máy bay không người lái do Iran sản xuất, Odessa cùng các thành phố và làng mạc khác trong khu vực chìm trong bóng tối. Cho đến nay, hơn 1,5 triệu người ở Odessa sống trong cảnh không có điện".
Theo lời Tổng thống Ukraine, các kỹ sư điện lực, đội sửa chữa, chính quyền khu vực - tất cả mọi người đang làm việc không ngừng nghỉ để khôi phục nguồn điện. Do hệ thống lưới điện đã bị hư hại nặng nề nên phải mất nhiều thời gian hơn để khôi phục nguồn điện...
“Không chỉ mất vài giờ, mà phải mất vài ngày để khôi phục. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để tăng tốc độ", ông Zelensky nói thêm.
Trong khi đó, văn phòng báo chí của DTEK, công ty năng lượng lớn nhất Ukraine xác nhận vụ tập kích của Nga tại Odessa, đồng thời thừa nhận hạ tầng năng lượng tại thành phố này gần như bị đánh sập. Những thiệt hại nặng nề sau vụ tấn công của Nga khiến cho toàn bộ người dân tại Odessa đang phải sống trong cảnh mất điện.
Ông Zelensky kêu gọi người dân ở Odessa hỗ trợ lẫn nhau và có thể tìm sự trợ giúp tại các "Trung tâm bất khả chiến bại". "Mọi người có thể sưởi ấm, sạc thiết bị, truy cấp liên lạc di động và nhận sự hỗ trợ cần thiết tại đây", ông V. Zelensky nói.
Trong khi đó, Thời báo The Times của Anh đăng tải, Washington có thể đã lặng lẽ cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào những mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Nguồn tin quốc phòng Mỹ được tờ The Times phỏng vấn cho biết: "Lầu Năm Góc hiện không còn nói với Kiev rằng: “Đừng tấn công người Nga (ở Nga hoặc Crimea)'".
"Chúng tôi không thể bảo họ phải làm gì. Việc họ sử dụng vũ khí như thế nào là tùy thuộc vào họ", nguồn tin giấu tên nói và lưu ý Washington chỉ yêu cầu Kiev tuân thủ luật pháp quốc tế và các công ước Geneva khi sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp.
Động thái mới có thể là dấu hiệu cho thấy Lầu Năm Góc đã thay đổi cách nhìn nhận về các mối đe dọa liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, đặc biệt là việc liệu cung cấp vũ khí cho Kiev có thể gây ra xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga hay không, theo tờ báo.
"Chúng tôi vẫn đang cân nhắc, tuy nhiên nỗi lo ngại về leo thang căng thẳng đang dần thay đổi", quan chức Mỹ nói với tờ The Times.
Trước đó, hôm 8/12, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuyên bố mặc dù Washington và Kiev đồng ý rằng các lực lượng Ukraine sẽ không sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công hầu hết lãnh thổ Nga, thì điều này không áp dụng cho Crimea.
Vào tháng 9/2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cảnh báo Mỹ rằng nếu nước này cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev thì điều này sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ" và khiến Washington trở thành "một bên trực tiếp của cuộc xung đột".
Việc Ukraine mở rộng tấn công vào sâu lãnh thổ Nga có thể đầy xung đột căng thẳng lên một tầm cao mới. |
Liên quan tới tình hình ở mặt trận Donbass, Quân đội Nga và đồng minh tiếp tục gây sức ép mạnh lên tuyến phòng thủ của Ukraine tại tỉnh Donetsk, trong đó trọng điểm vẫn là thị trấn Bakhmut. Lực lượng Nga thường lợi dụng đêm tối với các toán đột kích nhỏ tấn công sâu vào tuyến phòng thủ của Ukraine, gây thương vong cho các đơn vị tiền tiêu rồi rút lui. Nếu phía Ukraine phản kích, ngay lập tức khu vực của họ sẽ chìm trong các đợt pháo kích. Chiến thuật này của phía Nga không chỉ gây thương vong cho binh sĩ Ukraine, mà còn bào mòn năng lực chiến đấu của họ.
Do bị bao vậy, điều kiện sinh hoạt của lược lượng phòng thủ Ukraine tại Donetsk rất khó khăn. Nhiều binh sĩ Ukraine cho biết, các đơn vị phòng thủ ở mặt trận Bakhmut, Avdiivka, Novopavlovsk đã phải giữ vị trí nhiều tháng và thiếu thức ăn, quần áo ấm.
"Không ai quan tâm cả vì chúng ta đã chiến thắng ở Kherson, chúng ta đang chiến thắng...", một người lính Ukraine chia sẻ trên mạng xã hội Telegram.
Hướng tấn công của Ukraine tại tỉnh Lugansk cũng không có nhiều tiến triển khi liên tục bị phía Nga đẩy lui. Thậm chí, Quân đội Nga có thể sớm thiết lập điểm đầu cầu để tạo vòng vây phía Bắc thị trấn Bakhmut để hoàn toàn cô lập hàng nghìn lính Ukraine đang phòng thủ tại đây.
Sau tuyên bố gây bất ngờ của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Duma Nga Vyacheslav Volodin vào hôm 10/12 yêu cầu Pháp, Đức bồi thường cho vùng Donbass.
"Tuyên bố của bà cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel có nghĩa rằng Pháp và Đức phải chịu một phần trách nhiệm về những gì đang diễn ra tại Ukraine. Hai quốc gia này sẽ phải bồi thường cho cư dân của vùng Donbass, những người đã phải chịu đựng cuộc xung đột kéo dài 8 năm với nhiều thiệt hại về người và của", Chủ tịch Duma (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin nhấn mạnh.
Chủ tịch Duma Nga Volodin đưa ra yêu cầu trên sau tuyên bố vào hôm 7/12 của cựu Thủ tướng Đức A. Merkel rằng các thỏa thuận hòa bình Minsk và Minsk II được 4 quốc gia Pháp, Đức, Ukraine và Nga ký kết vào năm 2014 và 2015 có mục đích kéo dài thời gian nhằm giúp Ukraine xây dựng năng lực quốc phòng.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với báo Die Zeit hôm 7/12, bà Merkel cho biết mục đích thực sự của các thỏa thuận Minsk trong giai đoạn năm 2014-2015 là nhằm kéo dài thời gian và cho phép Ukraine xây dựng tiềm lực quân sự cho một cuộc đối đầu trong tương lai với Nga.