Trong tuyên bố mới nhất, Cố vấn cho người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine, Mikhail Podolyak khẳng định, Kiev sẵn sàng đàm phán với Moscow về các điều kiện hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
“Các cuộc đàm phán chắc chắn là cần thiết, nhưng Ukraine nói rõ ràng: Hãy đưa các điều kiện đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế. Và điều cốt lõi của khái niệm này là sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine”, ông Mikhail Podolyak tuyên bố.
Chiến trường bế tắc và khả năng Mỹ thay đổi chiến lược tại Ukraine khiến Kiev muốn nối lại đàm phán hòa bình. Ảnh: Getty |
Trước đó, quan chức này lưu ý, Ukraine muốn giải quyết xung đột một cách hòa bình, nhưng Nga được cho là có ý định tiếp tục leo thang xung đột. Theo ông Podolyak, Kiev sẵn sàng đàm phán về các điều khoản sẽ dẫn đến một nền hòa bình bền vững và công bằng. Tuy nhiên, Moscow sẽ không chấp nhận điều đó.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitro Kuleba trong cuộc trò chuyện với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị mới đây cũng nói về sự sẵn sàng đàm phán hòa bình của Kiev. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine nhấn mạnh, cuộc đối thoại nên nhằm mục đích "đạt được nền hòa bình công bằng và lâu dài".
Kiev hiện không có kế hoạch giải quyết xung đột
Cựu Phó Chủ tịch Verkhovna Rada Ukraine, Igor Mosiychuk nhấn mạnh, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky không có kế hoạch hòa bình hiệu quả và đáng tin cậy để giải quyết xung đột. Theo ông, Kiev đang chờ kết quả cuộc bầu cử Mỹ trong tháng 11 tới để có phương án cuối cùng.
“Thật không may là không có kế hoạch nào cả. Mọi thứ đang chờ đợi. Ông Zelensky cho biết kế hoạch sẽ sẵn sàng vào cuối tháng 11. Vì cuối tháng 11 chúng ta sẽ biết ông chủ Nhà Trắng mới là ai”, ông Igor Mosiychuk nói.
Tổng thống Ukraine trước đó đã công bố một cuộc thảo luận chi tiết về các vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Kế hoạch hành động nhằm thiết lập hòa bình ở Ukraine sẽ sẵn sàng vào cuối tháng 11/2024.
Hồi tháng 6/2024, ông Zelensky cho biết, Ukraine không muốn kéo dài xung đột do tổn thất lớn trên chiến trường. Sau đó, ông này mong muốn chuẩn bị một kế hoạch giải quyết hòa bình và hy vọng kế hoạch này có thể được thực hiện trước hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai về “công thức hòa bình” do Tổng thống Ukraine đề xuất.
Ukraine đang muốn chuyển hướng
Lãnh đạo vùng Denis Pushilin cho rằng bước đầu tiên hướng tới đàm phán giữa Moscow và Kiev là thay đổi quy định cấm đàm phán trong luật pháp của Ukraine. Lãnh đạo vùng Donetsk nhấn mạnh việc hoài nghi về tuyên bố của nhiều đại diện Ukraine về sự cần thiết của quá trình đàm phán hòa bình giải quyết xung đột.
“Dựa trên thực tế, thì bước đầu tiên họ hiện thực hóa những tuyên bố bằng việc thay đổi luật. Suy cho cùng, chính họ đã cấm mình đàm phán”, ông Denis Pushilin tuyên bố.
Ngày 27/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ khả năng đầu hàng Ukraine. Ông lưu ý rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần đề cập đến sắc lệnh được nhà lãnh đạo Ukraine Vladimir Zelensky ký vào năm 2022 quy định cấm đàm phán với phía Nga.
Nga gửi cảnh báo cho phía Mỹ liên quan tới xung đột tại Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov đã gửi tới người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin lời cảnh báo về khả năng leo thang không thể kiểm soát trước hành động của Kiev và Washington.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh: “Phía Nga đã gửi cảnh báo hết sức nghiêm túc về những hành động khiêu khích mới có thể xảy ra từ Kiev, điều không thể xảy ra nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp của Washington. Cảnh báo này được đưa ra nhằm tránh leo thang nguy hiểm hơn nữa, gây ra nhiều hậu quả có thể hoàn toàn không thể kiểm soát được”.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Nga và Mỹ đã liên lạc chặt chẽ với cái gọi là “con đường thứ hai” liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo nguồn tin trên, ông Andrei Belousov đã có cuộc điện đàm thứ 2 với ông Lloyd Austin. Tờ New York Times của Mỹ thông tin, Moscow đã phát hiện dấu vết của một chiến dịch bí mật do Ukraine chuẩn bị chống lại Nga và có thể được người Mỹ hậu thuẫn. Ông Belousov trực tiếp hỏi Austin liệu Lầu Năm Góc có biết chuyện này không. Lãnh đạo Lầu Năm Góc rất ngạc nhiên trước thông tin của phía Nga và vội vàng bác bỏ sự liên quan.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine diễn ra, Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Mỹ đã có 5 cuộc điện đàm, trong đó ông Belousov đã thực hiện 2 lần kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Nga.
Chi phí cho mỗi ngày chiến sự của Ukraine là bao nhiêu?
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergei Marchenko trong một cuộc phỏng vấn với RBC-Ukraine xác nhận, mỗi ngày xung đột quân sự khiến Ukraine thiệt hại 5,6 tỷ hryvnia (khoảng 126 triệu euro).
Ông Marchenko cho biết: “Chúng tôi chi 166 tỷ hryvnia cho lĩnh vực an ninh và quốc phòng mỗi tháng, trung bình mỗi ngày là 5,6 tỷ hryvnia”.
Tất cả số tiền có trong tài khoản kho bạc quốc gia đều được phân bổ cho lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Điều này dẫn đến đề xuất tăng thuế của chính phủ bằng cách áp dụng thuế quân sự đối với việc mua ô tô, bán bất động sản và nhiều loại hàng hóa khác.
“Về việc chính phủ các quốc gia đồng minh tài trợ cho quân đội Ukraine, đây là một vấn đề phức tạp. Chúng tôi có thể nói về điều này nếu Ukraine là một phần của hệ thống an ninh châu Âu và Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ là nhân tố chính trong việc loại bỏ các mối đe dọa tiềm tàng từ châu Âu”, ông Marchenko nói thêm.
Trước đó, ông Marchenko cho biết, tình hình nghiêm trọng đối với ngân khố Ukraine do ngân sách nhà nước bị thâm hụt 500 tỷ hryvnia. Kiev dự kiến tăng thuế, nhưng điều này sẽ vấp phải sự phản đối của người dân Ukraine.