Thông tin chiến sự
Nga bắn hạ tên lửa Ukraine bay vào lãnh thổ. Hàng loạt mảnh vỡ tên lửa đã rơi xuống thành phố Taganrog ở phía nam Nga khiến gần một chục người dân bị thương ngày 28/7. Quân đội Nga sau đó cáo buộc các mảnh vỡ là của hai tên lửa Ukraine bị nước này bắn hạ.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tên lửa S-200 đầu tiên nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự của Taganrog, thành phố có khoảng 250.000 dân. Không lâu sau đó, quân đội Nga đã bắn hạ tiếp tên lửa S-200 thứ hai ở gần thành phố Azov. Các mảnh vỡ rơi xuống một khu vực không có người sinh sống. Taganrog nằm ven biển Azov và cách biên giới với Ukraine khoảng 40km.
Giao tranh ác liệt ở Zaporizhzhia. Quan chức chính quyền thân Nga tại Zaporizhzhia cho biết, các lực lượng Ukraine đã mất hàng nghìn quân trong nỗ lực kiểm soát làng Staromayorskoye.
“Đối với làng Staromayorskoye: trên thực tế, toàn bộ lữ đoàn Ukraine đã bị hạ gục ở đó trong cuộc chiến giành khu định cư này. Dữ liệu đã xác nhận, hơn 3.000 binh sĩ kể từ khi bắt đầu cuộc phản công của Ukraine”, quan chức chính quyền thân Nga tại Zaporizhzhia Vladimir Rogov tuyên bố.
Ông Rogov cho thêm, Ukraine đã tung ra lực lượng khổng lồ tại khu vực này. Theo ông, giao tranh khốc liệt với cường độ cao đang diễn ra gần làng Staromayorskoye. “Các binh sĩ của chúng tôi đang bám trụ ở đó như những người hùng”, quan chức thân Nga nói.
Chảo lửa Donbass “tăng nhiệt”. Tướng Oleksandr Syrskyi, Tư lệnh lục quân Ukraine, mô tả tình hình ở mặt trận Bakhmut đang “rất căng thẳng”, khi các lực lượng Ukraine tiếp tục đẩy mạnh tiến công xung quanh thành phố Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk, vùng Donbass. Tướng Syrskyi cho biết, các lực lượng Ukraine đang nỗ lực tiến công về phía bắc và phía nam thành phố này.
“Đối phương đang bám trụ từng cm, phóng hỏa lực pháo binh và súng cối dữ dội. Chúng tôi đang từng bước tiến công và giành lại vùng đất của chúng tôi”, ông Syrskyi nói.
Theo quan chức Ukraine, trong điều kiện khó khăn như vậy, điều quan trọng là phải kiểm soát binh lính ở tiền tuyến một cách cẩn trọng và hỗ trợ họ bằng hỏa lực phản pháo, nhằm bảo vệ họ khỏi pháo binh tăng cường của Nga.
Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, các lực lượng quân sự nước này cũng đã đẩy lùi một cuộc phản công của Nga trong khu vực. “Lực lượng phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi thành công các cuộc tấn công của đối phương ở các khu vực phía tây và phía nam Klishchiivka”, quân đội Ukraine tuyên bố.
Một số diễn biến liên quan
Tổng thống Putin nói sẵn sàng đối thoại với Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga sẵn sàng tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng Kiev và các đồng minh NATO từ chối đối thoại với Moscow.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi ở Saint Petersburg, ông Putin nhấn mạnh: “Tất cả những khác biệt phải được giải quyết trên bàn đàm phán. Vấn đề ở chỗ Ukraine từ chối đối thoại với chúng tôi”.
Lãnh đạo Điện Kremlin cho rằng, gốc rễ của xung đột là “việc Mỹ và NATO tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga”. Ông Putin cũng đổ lỗi cho Washington và các đồng minh đã “từ chối thương lượng về vấn đề đảm bảo an ninh bình đẳng cho tất cả các bên, kể cả Nga”.
Nga cảnh báo mới về việc Mỹ chuyển đạn chùm cho Ukraine. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói, việc Mỹ chuyển đạn chùm tới Ukraine đang giáng một đòn mạnh vào tàn dư của mối quan hệ giữa Moscow và Washington.
Theo ông Antonov, các mối quan hệ Nga-Mỹ “thực tế không tồn tại vào thời điểm này”, và Moscow “chắc chắn sẽ tính đến bước đi chống Nga này của chính quyền Tổng thống Biden khi làm việc với Washington”.
Đức sắp xây dựng trung tâm sửa chữa khí tài ở Ukraine. Lãnh đạo tập đoàn công nghiệp Rheinmetall của Đức thông báo sẽ xây dựng một trung tâm sửa chữa ở Ukraine, chuyên dành cho các xe tăng Leopard và những trang thiết bị chiến đấu khác mà Berlin đã chuyển giao cho Kiev. Thời gian dự kiến triển khai kế hoạch sớm nhất là vào cuối mùa hè năm nay.
Ông Armin Papperger, Tổng giám đốc điều hành Rheinmetall tiết lộ, tập đoàn này đang đào tạo người Ukraine về các công việc vận hành trung tâm ở Đức.
Cho đến nay Berlin đã cung cấp khoảng 20 xe tăng Leopard 2A6 cho Ukraine. Việc thành lập một trung tâm sửa chữa ngay tại nước này sẽ giảm khoảng cách vận chuyển phương tiện chiến đấu, mặc dù điều đó cũng gây ra những lo ngại về an ninh.
EU áp trừng phạt mới với Nga. Hội đồng châu Âu thông báo đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 7 cá nhân và 5 tổ chức của Nga bị Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc thực hiện chiến dịch “thao túng thông tin kỹ thuật số” có tên gọi RRN.
Những thực thể bị EU đưa vào “danh sách đen” gồm có cổng thông tin trực tuyến Infornos, tổ chức phi lợi nhuận ANO Dialog, Viện Cộng đồng người Nga cũng như 2 doanh nghiệp công nghệ là Viện Thiết kế xã hội và Công ty Công nghệ quốc gia Structura. Các cá nhân là đại diện nổi bật của các thực thể trên cũng bị áp trừng phạt.