Theo tờ The Washington Post, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch đưa ra những đảm bảo an ninh cho Ukraine trong thời hạn 10 năm ngay trong mùa xuân 2024.
Mỹ đưa ra chính sách mới dựa trên tình hình thực tế của Ukraine hiện nay thay vì những kỳ vọng Kiev phản công thành công trong năm 2023. Để đề xuất bảo đảm an ninh này có hiệu lực cần có sự đồng thuận của Quốc hội Ukraine trong thời gian tới.
Từ các thông tin được công bố, Mỹ đã soạn thảo văn kiện bao gồm 4 giai đoạn: “chiến đấu”, “xây dựng”, “khôi phục” và “cải cách”. Theo The Washington Post, giai đoạn "xây dựng" hàm ý những hứa hẹn cho Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) tương lai của Ukraine được tái cơ cấu với đủ các lực lượng hải lục không quân.
Hết đạn pháo và các loại khí tài quân sự trong bối cảnh viện trợ từ Mỹ và phương Tây thuyên giảm đang là nỗi lo của Kiev. Ảnh: Getty. |
Cùng với đó, kế hoạch này cũng bao gồm dự toán ngân sách cần để phát triển ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Ukraine. Kế hoạch này cũng bao gồm việc bổ sung hệ thống phòng không nhằm tạo ra các ô phòng thủ bảo vệ xung quanh các thành phố quan trọng như Kiev và Odessa.
Washington hy vọng rằng thỏa thuận hỗ trợ dài hạn sẽ giúp Kiev trụ vững trong cuộc xung đột nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào mùa thu năm nay. Kế hoạch tái thiết cho Ukraine được đưa ra với điều kiện là Washington giải ngân được 61 tỷ USD viện trợ bổ sung cho Ukraine, sau khi đạt được sự đồng thuận tại lưỡng viện Quốc hội.
Giám đốc về các vấn đề châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Amanda Sloat trước đó từng nhấn mạnh, các quốc gia G7 sẽ công bố các đảm bảo an ninh cho Ukraine. Hôm 12/1, Anh là quốc gia đầu tiên tham gia tuyên bố có nghĩa vụ giúp đảm bảo an ninh cho Ukraine ký thỏa thuận tương ứng với Kiev.
Về phần mình, Nga coi động thái trên của Mỹ và phương Tây là nguy hiểm. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi tin rằng điều này cực kỳ sai lầm và có khả năng rất nguy hiểm. Bằng cách cung cấp bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Ukraine, các quốc gia trên đang thực sự phớt lờ nguyên tắc quốc tế về sự toàn vẹn và thống nhất về vấn đề an ninh quốc gia”.
Hiện tại tình hình chiến trường đang rất nghiêm trọng đối với AFU khi Quân đội Nga liên tục tấn công và tiến lên từ nhiều hướng. Điều này buộc Ukraine phải căng mình chống trả và bộc lộ sơ hở. Chiến trường trọng điểm như Avdeevka và Bakhmut cơ bản đã được định đoạt khi Nga duy trì được thế bao vây và tiêu hao.
Cùng với đó, theo tờ The Time, nếu Mỹ không sớm cung cấp đạn pháo, AFU sẽ hết đạn pháo trong vòng 1 tháng tới.
The Times dẫn lời nhà sử học quân sự Max Hastings lưu ý rằng Kiev hiện không có phương án đối phó trong trường hợp hết đạn pháo xảy ra.
Ấn phẩm Mỹ cho biết thêm Nga đang xây dựng tiềm năng quân sự của mình cả về việc tăng khối lượng sản xuất quân sự và sử dụng nhiều loại vũ khí trên chiến trường.
Chuyên gia Max Hastings nhận định: "Một cách không công khai, lãnh đạo của hầu hết các nước Tây Âu - ngoại trừ các nước Scandinavi và Baltic - rất muốn chấm dứt" cuộc xung đột ở Ukraine”.
Hãng thông tấn TASS đăng tải, tù binh Ukraine thuộc Lưc đoàn sơn cước độc lập số 71 có tên Vyacheslav Grinenko cho biết, tại chiến trường Avdeevka, phần lớn các binh sĩ Ukraine chiến đấu mong muốn được phía Nga giải cứu.
Nhiều binh sĩ Ukraine cảm giác tuyệt vọng trong cuộc xung đột và mong muốn được sống sót. Ảnh: AP. |
Theo đó, tù binh này và nhiều binh sĩ Ukraine khác đã đi vào đúng vị trí quân đội Nga và bị bắt giữ. “Trước đó, chúng tôi bò vào vị trí trong 30 giờ và yêu cầu rút lui, cầu cứu, sự tuyệt vọng ập đến. Chúng tôi đã chờ đợi họ. Các chàng trai bước vào. Chúng tôi đứng, nói chuyện và nói rằng chúng tôi là người Ukraine. Chúng tôi được yêu cầu đừng lo lắng, không ai sẽ sử dụng vũ lực”, Vyacheslav Grinenko chia sẻ.
Binh sĩ AFU cũng cho biết anh và các đồng đội đã không có sự hỗ trợ về hỏa lực, lương thực và nước uống.
Trước đó, các binh sĩ AFU bị bắt hồi tháng 1/2024 trên hướng Zaporozhye đã gọi cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào máy bay IL-76 chờ tù binh của Nga là một thảm kịch và hèn hạ.