Hãng tin Strana.ua của Ukraine dẫn lời phát ngôn viên Không quân nước này, Yuri Ignat đăng tải, Quân đội Ukraine cần khoảng hơn 100 máy bay chiến đấu hiện đại từ đồng minh để có thể giành ưu thế trên không với Nga.
Ukraine có thể nhận các đơn vị F-16 đầu tiên vào đầu năm 2024, nhưng giới chuyên gia không đánh giá cao sự xuất hiện của loại vũ khí đắt tiền này có thể thay đổi cục diện cuộc xung đột |
Cụ thể, Không quân Ukraine cần khoảng 128 máy bay chiến đấu hiện đại để thay thế cho các đơn vị máy bay chiến đấu cũ thời Liên Xô. Tuy nhiên, ông Yuri Ignat không nêu chủng loại máy bay cụ thể Ukraine có nhu cầu.
“Cuộc chiến đang diễn ra ác liệt, nhưng nếu chúng tôi có khoảng hơn 100 máy bay chiến đấu hiện đại sẽ là đủ để chống lại các thách thức đến từ phía Nga. Đặc biệt, với máy bay chiến đấu phương Tây chúng tôi có thể tấn công không chỉ ở tiền tuyến, mà con sâu trong hậu tuyến đối phương”, ông Yuri Ignat nói.
Hiện tại, Hà Lan và Đan Mạch đã nhất trí sẽ cung cấp một phần các đơn vị máy bay chiến đấu F-16 hiện có trong biên chế. Với những cam kết trên, Ukraine có thể nhận được 42 máy bay. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Jakob Ellemann-Jensen tuyên bố, Ukraine chỉ được sử dụng máy bay chiến đấu viện trợ trong lãnh thổ nước này. Quy tắc này từng được áp dụng với mọi loại vũ khí NATO viện trợ cho Ukraine, nhưng đã có nhiều hình ảnh chứng minh Kiev không hề tuân thủ các quy định này.
Liên quan tới việc Ukraine sớm được viện trợ máy bay F-16, chuyên gia quân sự Nga Vasily Dandykin đã chỉ ra những khó khăn đối với Kiev khi tiếp nhận loại khí tài quân sự phức tạp và cần điều kiện sử dụng đặc biệt này, trong đó đáng chú ý là vấn đề huấn luyện chuyển loại phi công.
Phi công Ukraine không chỉ cần học điều khiển máy bay, mà còn cần học cả tiếng Anh để thành thục các chỉ dẫn và ký hiệu trên máy bay F-16 vốn sử dụng tiếng Anh theo chuẩn NATO. Phi công Ukraine sẽ cần ít nhất 6 tháng để nắm được cơ bản khả năng điều khiển F-16. Cùng với đó, điều kiện bảo đảm hậu cần cho máy bay F-16 cũng khác biệt so với quy trình máy bay chiến đấu chuẩn Liên Xô và Nga. Máy bay chiến đấu Mỹ cần mặt đường băng phẳng hơn và sạch hơn.
“Bản thân những máy bay F-16 sắp được chuyển giao vốn là các phiên bản cũ, có phần lỗi thời. Chúng cần nhiều thời gian kiểm tra và đảm bảo kỹ thuật trước mỗi chuyến bay. Khi viện trợ máy bay F-16 cũ cho Ukraine, Hà Lan và Đan Mạch sẽ phải móc hầu bao mua các dòng máy bay chiến đấu mới F-35 từ Mỹ”, chuyên gia Vasily Dandykin nhận định.
Cũng theo Strana.ua, các chỉ huy Tiểu đoàn Azov mới được trao trả từ Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã trở lại mặt trận tham chiến. Cụ thể, chỉ huy Azov có tên Denis Prokopenko hay thường được biết tới với biệt danh Radis mới đây đã được phát hiện tại cuộc họp của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Igor Klymenko tại mặt trận.
Còn trong đầu tháng 8/2023, nhân vật này được phát hiện có mặt trong hoạt động diễn tập quân sự của lực lượng Bảo vệ lãnh thổ Ukraine.
Vốn là những nhân vật bị phía Nga bắt giữ sau chiến dịch giành quyền kiểm soát thành phố Mariupol, Moscow đã giao các chỉ huy của Tiểu đoàn Azov cho phía Thổ Nhĩ Kỳ với điều kiện họ sẽ bị quản thúc cho tới khi cuộc xung đột kết thúc. Tuy nhiên, Ankara đã thả những nhân vật này mà không có tham vấn Moscow trong chuyến thăm của Tổng thống Ukraine tới Thổ Nhĩ Kỳ đầu tháng 7/2023.
Liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine, nhà báo Mỹ Jackson Hinkle dự đoán, nếu cuộc xung đột tại Ukraine không sớm được giải quyết, Kiev có thể sẽ mất thêm nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn khác.
“Chúng ta đều hiểu cuộc xung đột này sẽ kết thúc như thế nào. Ukraine có thể mất quyền tiếp cận ra biển, Nga có thể đạt được mục tiêu quân sự với các giá phải trả đáng kể…”, ông Jackson Hinkle đánh giá và dự báo, Nga sẽ kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt theo cách mà Moscow muốn với các tiêu chuẩn đã được đặt ra từ trước đó.
Trước đó, cựu sĩ quan tình báo Mỹ Scott Ritter dự báo, nếu Ukraine từ chối đàm phán hòa bình với Nga, thì khả năng bị phi quân sự hóa là khá hiện hữu và có thể dẫn tới sự tan vỡ cấp nhà nước.