Thông tin chiến sự
Nga và Ukraine giao tranh giằng co ở miền Đông. Tướng Oleksandr Syrskyi, Tư lệnh lục quân Ukraine, đã tới thăm các đơn vị của nước này đang tác chiến ở tiền tuyến phía Đông.
“Để làm chậm nỗ lực phản công của chúng tôi ở Bakhmut, đối phương đang điều động thêm nhiều quân và khí tài đến đây. Phần lớn trong số này là các đơn vị đổ bộ đường không. Bên cạnh đó, Nga cũng huy động thêm lực lượng tới Kupiansk, nhưng chúng tôi vẫn đang giữ chân được đối thủ. Tình hình tương đối phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát”, ông Syrskyi nói.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, lực lượng nước này đã đã tiến thêm 2km dọc theo mặt trận và tiến sâu 1,5km ở Kupiansk. Theo hướng Đông Nam, quân đội Nga cũng ngăn chặn nỗ lực tiến công của Ukraine tại Zaporizhzhia. Ukraine đã giành được một số khu định cư tại đây, nhưng diễn biến phản công vẫn rất chậm.
Nga tập trung nguồn lực chặn đà tiến công của Ukraine. “Nhiệm vụ của đối phương là ngăn chặn bước tiến của chúng ta và họ đang nỗ lực rất nhiều để đạt được mục tiêu này. Đối phương rất mạnh. Do đó, quân đội của chúng ta phải di chuyển trong một tình huống vô cùng khó khăn. Ngoài ra, chúng ta cần tạo điều kiện nhất định để tiến công mạnh hơn nữa”, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar nói.
“Hãy nhớ lại việc chúng ta giành lại Kherson. Quá trình đó cũng mất hơn một ngày”, bà Maliar nói thêm.
Chỉ huy Lực lượng Liên quân Tavria, tướng Oleksandr Tarnavskyi, cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho biết Ukraine đang đạt được những bước tiến dọc theo mặt trận phía Nam.
“Giao tranh vẫn tiếp diễn ở khu vực Tavria, với việc Lực lượng phòng vệ Ukraine giành được một số khu vực và đối phương đang rút lui”, Tướng Tarnavskyi thông báo.
Nga tập kích xưởng chế tạo xuồng cảm tử của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này đã sử dụng vũ khí có độ chính xác cao phóng từ biển để tập kích các cơ sở hạ tầng của Ukraine. Đây được cho là động thái đáp trả việc cầu Crimea bị tập kích.
“Lực lượng vũ trang Nga đã dùng vũ khí có độ chính xác cao để tập kích các xưởng chế tạo USV và xưởng đóng tàu của đối thủ ở Odessa. Toàn bộ cơ sở được sử dụng để chuẩn bị các hành động khủng bố chống lại Nga đều bị đánh trúng”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói.
Theo ông Konashenkov, lực lượng Nga còn tập kích thành công các kho nhiên liệu ở Odessa và Mykolaiv. Các cơ sở này chứa khoảng 70.000 tấn nhiên liệu, được dùng để cung cấp cho các phương tiện quân sự của Ukraine.
Một số diễn biến liên quan
Nga chỉ trích Mỹ thải vũ khí cũ cho Ukraine. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, việc Washington không bù lại số bom chùm cung cấp cho Kiev thể hiện rõ việc Mỹ đang biến Ukraine thành nơi thải vũ khí cũ.
“Họ muốn biến Ukraine thành bãi thải vũ khí cũ. Những mảnh bom chùm chưa nổ của Mỹ, hay đống kim loại còn sót lại của xe tăng phương Tây sẽ ở lại Ukraine lâu dài. Điều này thể hiện thái độ thực sự của Washington với Kiev”, ông Antonov nói.
Nga nâng độ tuổi huy động quân lên 70. Quốc hội Nga thông qua luật nâng mức tuổi tối đa động viên quân thêm ít nhất 5 năm, cao nhất có thể lên tới 70 tuổi. Luật mới đồng nghĩa với việc những sĩ quan cấp bậc cao nhất trong lực lượng dự bị có thể được gọi trở lại ở tuổi 70 thay vì 65.
Cũng theo luật mới, tuổi phục vụ trong quân đội của các cấp bậc cao tiếp theo được nâng từ 60 lên 65, độ tuổi các sĩ quan cấp dưới được nâng từ 55 lên 60. Giới hạn độ tuổi chung của toàn bộ binh lính được nâng từ 45 lên 55.
Tướng Mỹ nói về cuộc phản công của Ukraine. Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, khẳng định còn quá sớm để nói rằng phản công của Ukraine đã thất bại. Theo ông, Ukraine vẫn còn năng lực chiến đấu đáng kể cho cuộc phản công chậm rãi và lâu dài.
Ông Milley cho biết, quân đội Kiev đang đối mặt với sự phòng thủ kiên cố của Nga gồm các bãi mìn, chướng ngại vật xe tăng, dây thép gai và chiến hào.
“Cuộc phản công sẽ kéo dài, khó khăn và đẫm máu”, ông nói. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định Washington và các đồng minh sẽ tiếp tục củng cố năng lực chiến đấu cho Kiev.
G20 không ra được tuyên bố chung vì vấn đề Ukraine. Hội nghị các bộ trưởng kinh tế và tài chính G20 đã bế mạc mà không đưa ra được tuyên bố chung, do các nước có quan điểm khác biệt về vấn đề xung đột Ukraine.
Hội nghị của các bộ trưởng kinh tế và tài chính G20 kéo dài 2 ngày tại Ấn Độ đã chính thức bế mạc. Trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình, New Delhi mong muốn có thể đạt được sự đồng thuận về việc cải tổ ngân hàng đa phương, tạo ra quy tắc toàn cầu về tiền điện tử và giải quyết tình trạng nợ của các nước đang phát triển. Tuy vậy, vấn đề Ukraine vẫn tạo ra ảnh hưởng rất lớn với tình hình ngoại giao toàn cầu.
“Tất cả chương trình nghị sự của chúng tôi đã được thống nhất. Mặc dù vậy, các quốc gia như Mỹ, Đức, Anh và Pháp vẫn yêu cầu đưa ra thêm các biện pháp cứng rắn với Nga. Dĩ nhiên là Nga và Trung Quốc đã phản đối”, một quan chức Ấn Độ cho biết.
Quan chức của Ấn Độ cho biết, nước chủ nhà đã không thể đưa ra một dự thảo tuyên bố chung mà tất cả các thành viên đồng thuận. Một số quốc gia nhất quyết yêu cầu phải đưa nội dung chấm dứt xung đột Ukraine vào văn bản, trong khi Nga gọi đó là chiến dịch quân sự đặc biệt.